Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP) cho biết, sau khi giảm trong tháng 9/2019, xuất khẩu tôm Việt Nam trong tháng 10 tiếp tục giảm tuy nhiên mức giảm đã chậm hơn so với tháng 9.
Cụ thể, trong tháng 10/2019, xuất khẩu tôm Việt Nam giảm nhẹ 0,8% đạt 345,2 triệu USD. Lũy kế 10 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm đạt 2,8 tỷ USD, giảm 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
10 tháng đầu năm nay, trong cơ cấu sản phẩm tôm xuất khẩu của Việt Nam, tôm chân trắng chiếm 69,9%, tôm sú chiếm 20,5% và còn lại là tôm biển. Xuất khẩu tôm chân trắng đạt 1,9 tỷ USD, giảm 4,7% so với cùng kỳ năm ngoái; xuất khẩu tôm sú đạt 570,8 triệu USD, giảm 16,2%; xuất khẩu tôm biển khác đạt trên 265 triệu USD, tăng 7%. xuất khẩu tôm sú chế biến giảm mạnh nhất 33,4%. xuất khẩu tôm biển chế biến đóng hộp tăng tốt nhất 40,7%.
Tính tới tháng 10 năm nay, xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất (EU) tăng trưởng dương duy nhất trong tháng 7, các tháng còn lại đều tăng trưởng âm. Tháng 10/2019, xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt hơn 67,4 triệu USD, giảm 11,6% so với tháng 10/2018. Lũy kế 10 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm sang EU đạt 580,8 triệu USD, giảm 19,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong 3 thị trường nhập khẩu chính tôm Việt Nam trong khối EU (Anh, Hà Lan, Đức), xuất khẩu sang Anh và Hà Lan giảm 2 con số, lần lượt 15,5% và 37,6%, xuất khẩu sang Đức giảm 5,6%.
Tôm chân trắng là sản phẩm chủ đạo xuất khẩu sang EU, chiếm tỷ trọng 79,5% tổng các sản phẩm tôm xuất sang EU, tôm sú chiếm 12,6%, còn lại là các sản phẩm tôm biển. Giá trị xuất khẩu các sản phẩm tôm chân trắng sang EU trong 10 tháng đầu năm nay giảm mạnh hơn giá trị xuất khẩu tôm sú sang thị trường này.
EU chiếm khoảng 31% tổng nhập khẩu tôm thế giới và chiếm 21% xuất khẩu tôm của Việt Nam. VASEP cho rằng nếu biết tận dụng ưu đãi thuế quan từ Hiệp định EVFTA giữa Việt Nam và EU, áp dụng hiệu quả quy tắc xuất xứ, xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU sẽ có cơ hội gia tăng từ năm 2020. Tuy nhiên, xuất khẩu sang thị trường này trong nửa cuối năm chưa thể phục hồi.
Xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ trong tháng 10 tăng 4,8% đạt 71,3 triệu USD. Lũy kế 10 tháng, xuất khẩu tôm sang Mỹ đạt 548,2 triệu USD, tăng 1,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Mỹ vẫn là thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ 2 của Việt Nam sau EU, chiếm 19,7% tổng giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam.
Mỹ là thị trường nhập khẩu tôm chân trắng lớn nhất Việt Nam. Về cơ cấu xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ, tôm chân trắng chiếm tỷ trọng lớn 83,3%, tôm sú chỉ chiếm 12,6%. 9 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm chân trắng sống/tươi/đông lạnh sang Mỹ tăng 42% so với cùng kỳ năm ngoái.
Kết quả khả quan về thuế chống bán phá giá tôm Việt Nam vào Mỹ trong POR 13 đã góp phần tạo động lực cho các doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Việt Nam sang thị trường này. Xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ dự kiến tăng khoảng 5% trong quý cuối năm nay.
Xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc trong tháng 10/2019 đạt 56,3 triệu USD, tăng 20,4%. Đây là mức tăng trưởng tốt nhất trong số 6 thị trường nhập khẩu tôm chính của Việt Nam. Tính tới tháng 10 năm nay, xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt 438,6 triệu USD, tăng 8,7%.
Xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc từ nay đến cuối năm dự kiến vẫn duy trì đà tăng trưởng do nhu cầu nhập khẩu tôm từ Trung Quốc vẫn cao để phục vụ Tết Nguyên đán.
Theo VASEP tôm có chiều hướng khả quan hơn tại các thị trường Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản vào những tháng cuối năm khi lượng tồn kho giảm. Tuy nhiên, xuất khẩu sang thị trường EU những tháng cuối năm chưa thể phục hồi. Cạnh tranh về giá tôm vẫn là áp lực lớn đối với doanh nghiệp. VASEP dự báo xuất khẩu tôm Việt Nam cả năm 2019 đạt khoảng 3,4 tỷ USD, giảm 4% so với năm 2018.