Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, xuất khẩu tôm Việt Nam sang hầu hết các thị trường chính đều giảm mạnh. Xuất khẩu tôm trong tháng 4/2019 có thể vẫn giảm tuy nhiên tốc độ giảm thấp hơn các tháng trước nhờ những cơ hội từ thị trường.
Tháng 3/2019, xuất khẩu tôm Việt Nam đạt gần 244 triệu USD, giảm 19,3% so với tháng 3/2018. Lũy kế 3 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm đạt 617,6 triệu USD, giảm 16,9% so với cùng kỳ năm 2018.
Những tháng đầu năm, tồn kho tại các thị trường vẫn còn. Nguồn cung tôm tại các nước xuất khẩu tăng, làm giá tôm thế giới giảm, kéo theo giá tôm xuất khẩu của Việt Nam cũng giảm theo. Giá thành sản xuất tôm Việt Nam cao do các yếu tố đầu vào cho nuôi tôm tăng. Giá chào bán tôm Việt Nam còn cao, làm giảm khả năng cạnh tranh về giá so với các nước đối thủ. Đây được coi là một trong những yếu tố khiến xuất khẩu tôm Việt Nam giảm trong những tháng đầu năm nay.
Nhật Bản hiện là thị trường nhập khẩu lớn nhất của tôm Việt Nam. Trong top 8 thị trường nhập khẩu chính của tôm Việt Nam, Nhật Bản là thị trường duy nhất có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng dương trong tháng 3 năm nay. Xuất khẩu tôm sang thị trường này trong tháng 3 tăng 4,3% đạt hơn 54 triệu USD. Ba tháng đầu năm, xuất khẩu tôm sang Nhật đạt 121,7 triệu USD, tăng 1,4% so với cùng kỳ năm 2018. Xuất khẩu tôm sang Nhật Bản có dấu hiệu nhích lên sau khi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực, tạo ra những ưu đãi về thuế suất và tác động tâm lý tích cực tới các nhà nhập khẩu.
EU tụt xuống vị trí thứ 2 về nhập khẩu tôm Việt Nam do xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU trong tháng 3 năm nay vẫn tiếp tục giảm 24,2% đạt 53,4 triệu USD. Ba tháng đầu năm 2019, xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt hơn 130 triệu USD, giảm 26,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Ba thị trường nhập khẩu tôm Việt Nam lớn nhất trong khối EU gồm Anh, Hà Lan và Đức. Xuất khẩu sang cả 3 thị trường này trong 3 tháng đầu năm nay đều giảm so với cùng kỳ năm 2018. Xuất khẩu sang Anh sụt giảm do sự kiện Brexit chưa đi đến kết quả cuối cùng, khiến thương mại hàng hóa tại thị trường này bị ảnh hưởng.
Tháng 3 năm nay, xuất khẩu tôm sang Mỹ - thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ 3 của Việt Nam – chưa thể thoát khỏi xu hướng giảm do tồn kho, nguồn cung tăng từ các đối thủ cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường Mỹ. Xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ trong tháng 3/2019 đạt trên 37 triệu USD, giảm 20% so với tháng 3/2018. Tính tới tháng 3 năm nay, xuất khẩu tôm sang Mỹ đạt 97,7 triệu USD, giảm 19,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngày 9/4/2019, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã công bố mức thuế chống bán phá giá sơ bộ cho tôm Việt Nam trong giai đoạn xem xét hành chính lần thứ 13 (POR13), với 31 doanh nghiệp được hưởng mức thuế 0%.
Mặc dù đây chỉ là mức thuế sơ bộ trước khi có kết quả chính thức vào tháng 9/2019 nhưng đây cũng có thể được coi là nền tảng để đạt được mức thuế thấp nhất ở phán quyết cuối cùng sắp tới. Mức thuế này cũng sẽ tạo lòng tin cho các nhà nhập khẩu Mỹ duy trì và phát triển mua tôm từ Việt Nam. Nhờ kết quả sơ bộ này, kỳ vọng xuất khẩu tôm sang Mỹ sẽ đảo chiều tăng trong các tháng tiếp theo.
Xuất khẩu tôm Việt Nam sang Hàn Quốc và Trung Quốc đều giảm trên 30% trong tháng 3/2019. Ba tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm sang Trung Quốc đạt trên 95 triệu USD, giảm 14,8%; xuất khẩu tôm sang Hàn Quốc đạt trên 68 triệu USD, giảm 24,9%. Xuất khẩu sang 2 thị trường này giảm do giá xuất khẩu giảm. Xuất khẩu sang Trung Quốc giảm, trái ngược với xu hướng tăng trong năm 2018 do sự cạnh tranh mạnh mẽ của các đối thủ như Ấn Độ, Ecuador và việc Trung Quốc siết chặt việc nhập khẩu qua đường tiểu ngạch.
Cùng với Nhật Bản, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Canada cũng có chuyển biến sau khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực. Xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường này trong tháng 3 năm nay đạt 10,9 triệu USD, giảm 1,8% so với tháng 3 năm ngoái. Tốc độ giảm đã thấp hơn so với tháng trước đó. Ba tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt trên 29 triệu USD, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm ngoái. CPTPP có thể được coi là cơ hội tốt để doanh nghiệp tôm Việt Nam khai thác thị trường Canada trong năm 2019 vì các đối thủ cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường này như Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia đều không tham gia hiệp định.
Nhờ Hiệp định CPTPP, kết quả sơ bộ thuế chống bán phá giá khả quan từ Mỹ, VASEP dự kiến xuất khẩu tôm Việt Nam trong tháng 4 chưa tăng nhưng tốc độ giảm sẽ thấp hơn.