Quy mô xuất khẩu lần đầu vượt mức 200 tỷ USD
Xuất khẩu năm 2017 được Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhận định là đạt những kết quả tích cực. Lần đầu tiên xuất khẩu vượt mức 200 tỷ USD. Nếu năm 2011 quy mô xuất khẩu là 96,9 tỷ USD, thì nay sau 7 năm, xuất khẩu đã bằng 2,21 lần. Tốc độ tăng bình quân 12%.
Cơ cấu hàng hoá xuất khẩu cũng đã có sự chuyển dịch thành công. Trong đó, nhóm hàng công nghiệp chế biến chế tạo năm 2017 chiếm tỷ trọng 81,3%, tăng mạnh so với mức 61% của năm 2011. Tỷ trọng của hàng nông, thuỷ sản giảm mạnh còn 12,1%.
Bên cạnh đó, thị trường xuất khẩu được mở rộng, đa dạng hoá. Năm 2017, thị trường Mỹ chiếm 20,6% xuất khẩu đối với nhóm hàng công nghiệp, đạt 35,8 tỷ USD. Thị trường EU chiếm 17,6%. Ba thị trường của khu vực Đông Bắc Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) chiếm chung khoảng 30%.
Tăng trưởng xuất khẩu tích cực năm 2017 đã góp phần quan trọng vào tăng trưởng GDP, cải thiện cán cân thanh toán, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo hiệu ứng lan toả.
Hạn chế lớn đến từ sự phụ thuộc
Dù vậy, xuất khẩu Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, trong đó, đáng chú ý là việc phụ thuộc nhiều vào khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Cụ thể, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh cho biết khối FDI vẫn chiếm trên 70% xuất khẩu. Điều này tạo ra tính bất ổn đối với việc xuất khẩu do sản xuất và xuất hàng đi của khối này phụ thuộc rất mạnh vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.
"Mỗi khi có biến động xảy ra với chuỗi cung ứng, ví dụ như chiến tranh thương mại, xuất khẩu của Việt Nam sẽ chịu tác động mạnh hơn", Bộ trưởng nói.
Sự phụ thuộc cũng thể hiện ở khía cạnh thị trường của một số mặt hàng nông sản, thuỷ sản chưa đa dạng. Theo Bộ trưởng, các mặt hàng này phụ thuộc rất nhiều vào khu vực châu Á, chiếm tới 52,7%. Đặc biệt, một số mặt hàng như sắn, cao su, thanh long... phụ thuộc duy nhất một thị trường.
Bộ trưởng cũng đề cập đến việc xuất khẩu cũng đang dựa mạnh vào nhóm hàng điện tử, chiếm tới 33% tổng kim ngạch xuất khẩu. Nếu không tính hai mặt hàng điện thoại và máy vi tính, linh kiện điện tử, tăng trưởng xuất khẩu cả nước năm 2017 chỉ đạt 15,8%.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng chỉ ra một số hạn chế khác như sản xuất nhiều mặt hàng nông thuỷ sản còn manh mún, tự phát, dẫn đến nhiều lúc không kiểm soát được nguồn cung. Việc đàm phán để được công nhận về quản lý chất lượng và quản lý an toàn thực phẩm còn hạn chế khiến một số mặt hàng dù thuế suất giảm về 0% nhưng chưa thâm nhập được.
Ngoài ra, nhiều quy định, chính sách xuất khẩu chưa hợp lý, nhiều loại chi phí của nền kinh tế còn cao (chi phí lãi suất, vận tải, phí cảng...), làm giảm tính cạnh tranh của hàng hoá xuất khẩu.