Theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam cả năm 2017 đạt 425,12 tỷ USD, tăng 21% so với năm 2016; trong đó tổng trị giá xuất khẩu đạt 214,02 tỷ USD, tăng 21,2% và tổng trị giá nhập khẩu đạt 211,1 tỷ USD, tăng 20,8%. Như vậy, cả năm 2017, Việt Nam đã xuất siêu hàng hóa đạt 2,92 tỷ USD, tăng mạnh 64% so với năm 2016.
Riêng xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã chiếm 65,5% trong tổng kim ngạch XNK của cả nước, đạt 278,56 tỷ USD, tăng 23% so với năm ngoái; trong đó, xuất khẩu của khối FDI đạt 152,19 tỷ USD, tăng 22,9% so với năm ngoái; nhập khẩu đạt 126,37 tỷ USD, tăng 23,4%. Khối doanh nghiệp FDI xuất siêu tăng 20,4%, đạt 25,82 tỷ USD.
Top 5 nhóm hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD
Trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2017, có 5 nhóm hàng đạt kim ngạch trên 10 tỷ USD, đó là: điện thoại và linh kiện; dệt may; máy vi tính điện tử và linh kiện; giày dép; máy móc thiết bị phụ tùng.
Điện thoại các loại và linh kiện: đứng đầu về kim ngạch xuất khẩu, chiếm 21,2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa các loại của cả nước, đạt 45,27 tỷ USD, tăng 32% so với năm 2016; riêng tháng 12/2017 xuất khẩu nhóm hàng này giảm 15,2% so với tháng 11/2017 nhưng tăng 45% so với tháng cuối năm ngoái, đạt 3,9 tỷ USD.
Điểm đáng chú ý, xuất khẩu nhóm hàng này hầu như là của các doanh nghiệp FDI, chiếm tới 99,7% trong tổng kim ngạch, đạt 45,12 tỷ USD; còn các doanh nghiệp trong nước xuất khẩu không đáng kể, chỉ chiếm 0,3%.
Các thị trường chính nhập khẩu điện thoại và linh kiện của Việt Nam là: Trung Quốc với 7,15 tỷ USD, tăng 793,8%; UAE 3,89 tỷ USD, tăng 1,6%; Hàn Quốc 3,97 tỷ USD, tăng 45,5%; Mỹ 3,7 tỷ USD, giảm 14%; Áo 3,15 tỷ USD, tăng 46,3%; Hồng Kông 2,18 tỷ USD, tăng 39,8%; Anh 2,02 tỷ USD, tăng 7%; Đức 1,67 tỷ USD, giảm 4% so với năm trước.
Dệt may đứng thứ 2 về kim ngạch trong nhóm 10 tỷ USD, chiếm 12,2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, đạt 26,04 tỷ USD, tăng 9,3% so với năm ngoái; riêng tháng 12 đạt 2,48 tỷ USD, tăng 14,4% so với tháng 11/2017 và tăng 8,3% so với tháng 12/2016.
Trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may cũng có tới 60,6% là của các doanh nghiệp FDI, với 15,79 tỷ USD, tăng 9,5% so với năm 2016.
Trong đó: Xuất khẩu sang Mỹ đạt 12,28 tỷ USD, tăng 7,3%; sang Nhật Bản đạt 3,11 tỷ USD, tăng 7,3%; sang Hàn Quốc đạt 2,64 tỷ USD, tăng 15,8%; sang Trung Quốc 1,1 tỷ USD, tăng 34% so với năm trước.
Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đứng thứ 3 về kim ngạch với 25,94 tỷ USD, chiếm 12,1%, tăng 36,9% so với năm ngoái; riêng tháng 12 đạt 2,26 tỷ USD, giảm 13,7% so với tháng 11 nhưng tăng 21,5% so với tháng 12/2016.
Cũng giống như nhóm hàng điện thoại, thì nhóm hàng máy vi tính điện tử xuất khẩu cũng có tới 96,4% trong tổng kim ngạch là của các doanh nghiệp FDI, đạt 25,01 tỷ USD, còn DN trong nước hầu như rất ít.
Các thị trường chính nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện từ Việt Nam là: Trung Quốc 6,86 tỷ USD, tăng mạnh 69%; Mỹ 3,44 tỷ USD, tăng 18,7%; Hà Lan 2,06 tỷ USD, tăng 17,6%; Hồng Kông 1,85 tỷ USD, tăng 18%; Hàn Quốc 1,83 tỷ USD, tăng 46% so với năm trước.
Nhóm hàng giày dép đạt 14,65 tỷ USD, chiếm 6,9%, tăng 12,7% so với năm ngoái; riêng tháng 12 đạt 1,47 tỷ USD, tăng 7,3% so với tháng 11 và tăng 10,1% so với tháng 12/2016. Trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng giày dép cũng có tới 80% là của các doanh nghiệp FDI, với 11,78 tỷ USD, tăng 12,4% so với năm 2016.
Năm 2017 giày dép chủ yếu được xuất khẩu đến các thị trường: Mỹ với 5,12 tỷ USD, tăng 14%; thị trường Trung Quốc 1,14 tỷ USD, tăng 26%; Đức 992,6 triệu USD, tăng 30%; Bỉ 907,5 triệu USD, tăng 10% so với năm trước.
Nhóm máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng chiếm 6%, đạt 12,77 tỷ USD, tăng 26,3% so với năm ngoái; riêng tháng 12 đạt 1,14 tỷ USD, giảm 5% so với tháng 11 nhưng tăng 11% so với tháng 12/2016. Nhóm sản phẩm này xuất khẩu cũng hầu như của các DN FDI, chiếm trên 90% tổng kim ngạch, đạt 11,5 tỷ USD.
Máy móc, thiết bị chủ yếu được xuất khẩu qua các thị trường: Mỹ 2,43 tỷ USD, tăng 14%; Nhật Bản 1,72 tỷ USD, tăng 9,9%; Trung Quốc 1,57 tỷ USD, tăng 41,6%; Hồng Kông 1,04 tỷ USD, tăng 48,2%; Hàn Quốc 967,64 triệu USD, tăng 27,8% so với năm trước.
Kim ngạch xuất khẩu các nhóm hàng 10 tỷ USD năm 2016 - 2017
Top 4 nhóm hàng nhập khẩu trên 10 tỷ USD
Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện: dẫn đầu về kim ngạch nhập khẩu, với 37,71 tỷ USD, chiếm 17,9% trong tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa các loại của cả nước, tăng 35,2% so với năm 2016. Trong đó, các doanh nghiệp FDI chiếm tới 91%, đạt 34,34 tỷ USD.
Các thị trường cung cấp nhóm hàng này cho Việt Nam năm 2017 chủ yếu gồm: Hàn Quốc 15,33 tỷ USD, tăng 76,7% so với năm trước; Trung Quốc với 7,06 tỷ USD, tăng 19%; Đài Loan 3,94 tỷ USD, tăng 24,6%; Nhật Bản 3,18 tỷ USD, tăng 13,4%; Mỹ 2,87 tỷ USD, tăng 24,2%; Malaysia 1,15 tỷ USD, tăng 19,4%.
Máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng đứng thứ 2 về kim ngạch, với 33,67 tỷ USD chiếm 16%, tăng 18% so với năm ngoái; trong đó kim ngạch của các doanh nghiệp khối FDI chiếm 57,6%, đạt 19,38 tỷ USD.
Các thị trường cung cấp máy móc, thiết bị cho Việt Nam chủ yếu gồm: Trung Quốc 10,87 tỷ USD, tăng 16,8%; Hàn Quốc 6,63 tỷ USD, tăng 46,6%; Nhật Bản 4,26 tỷ USD, tăng 2,2%; Đài Loan 1,35 tỷ USD, tăng 4,5%; Đức 1,34 tỷ USD, giảm 0,6% so với năm trước.
Nhóm hàng điện thoại các loại và linh kiện chiếm 7,7% trong tổng kim ngạch nhập khẩu, đạt 16,33 tỷ USD, tăng mạnh 54,6%; trong đó các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 14,85 tỷ USD, chiếm 91%.
Các thị trường cung cấp điện thoại và linh kiện cho Việt Nam chủ yếu gồm: Trung Quốc 8,75 tỷ USD, tăng 42,2%; Hàn Quốc 6,18 tỷ USD, tăng 72,6% so với năm trước.
Mặt hàng vải may mặc chiếm 5,4% trong tổng kim ngạch nhập khẩu, đạt 11,37 tỷ USD, tăng 8,4%; trong đó các doanh nghiệp vốn đầu nước ngoài ngoài cũng chiếm gần 60,8%, đạt 6,91 tỷ USD.
Các thị trường cung cấp vải các loại cho Việt Nam chủ yếu gồm: Trung Quốc 6,08 tỷ USD, tăng 11,5%; Hàn Quốc với 2,04 tỷ USD, tăng 4,2 %; Đài Loan với 1,57 tỷ USD, tăng 4,3% so với năm trước.
Kim ngạch nhập khẩu các nhóm hàng 10 tỷ USD năm 2016 - 2017