Qua 1 năm đầy khó khăn đối với mọi lĩnh vực của nền kinh tế do tác động nặng nề của dịch Covid-19, nhưng nhờ sự nỗ lực chủ động vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp (DN) và các tổ chức xúc tiến thương mại, hoạt động xuất khẩu (XK) trong năm 2021 đã thu được kết quả tích cực.
Cải thiện cơ cấu hàng hóa xuất khẩu
Số liệu mới nhất từ Tổng cục Thống kê cho thấy, tính chung năm 2021, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm trước. Trong đó, XK ước đạt 336,25 tỷ USD, tăng 19% so với năm trước; nhập khẩu ước đạt 332,25 tỷ USD, tăng 26,5% so với năm 2020 và cán cân thương mại hàng hóa năm 2021 tiếp tục xuất siêu với con số ước tính 4 tỷ USD.
Phân tích những kết quả đạt được từ hoạt động XK năm 2021, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, nếu như trước kia, nhóm hàng nông, thủy sản đóng góp chính vào tăng trưởng XK, thì hiện tại nhóm hàng công nghiệp chế biến là động lực chủ yếu để XK liên tục ở mức cao.
“Các DN trong nước đang tập trung đầu tư vào công nghiệp chế biến, chế tạo và dần chuyển dịch sang sản xuất các mặt hàng có giá trị gia tăng, hàm lượng công nghệ và chất xám cao. Từ đó có thể thấy các sản phẩm XK của Việt Nam đang dần đa dạng và phong phú hơn về chủng loại, mẫu mã, một số sản phẩm có thị phần lớn và vị thế cao, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng tại thị trường đích”, ông Hải nói.
Trong năm qua, nhiều hoạt động xúc tiến XK như hội chợ, triển lãm, kết nối giao thương… bị gián đoạn do tác động từ tình hình dịch bệnh, nhất là trong giai đoạn giãn cách xã hội. Tuy nhiên, nhờ sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự vào cuộc quyết liệt của các Bộ, ngành, chính quyền địa phương, sự nỗ lực chủ động vượt khó từ cộng đồng DN đã đóng góp tích cực vào kết quả ấn tượng của hoạt động xuất nhập khẩu.
Thứ trưởng Bộ Công Thương – ông Trần Quốc Khánh đánh giá, Bộ Công Thương đã triển khai hiệu quả các Chương trình hành động, ban hành hàng chục văn bản chỉ đạo điều hành, hỗ trợ DN, hợp tác xã, địa phương khắc phục khó khăn, khôi phục sản xuất kinh doanh và XK.
"Nhờ các hoạt động xúc tiến thương mại trên nền tảng số được duy trì, nông sản hàng hóa vẫn được kết nối tiêu thụ ngay trong thời điểm khó khăn nhất của dịch bệnh. Cùng với đó, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu cũng từng bước được cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp. Điều này đã góp phần giúp cán cân thương mại đảo chiều, xuất siêu không những được giữ vững mà còn lập nên kỳ tích mới”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nêu rõ.
Tiếp tục khai thác những ưu đãi về thương mại hàng hóa
Dù chịu tác động nhiều mặt bởi dịch Covid-19, song hoạt động XK của Việt Nam được các chuyên gia đánh giá đang có những thuận lợi, nhất là khi Việt Nam đang khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) và nhu cầu thị trường đang tăng vào dịp mua sắm cuối năm, đặc biệt là nhóm hàng Việt Nam có lợi thế.
Ông Đinh Quốc Thái, Tổng thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam nhận xét, với việc Việt Nam đã tham gia ký và thực thi nhiều FTA đã tạo thuận lợi cho các DN trong ngành mở rộng thị trường, đấy mạnh XK hàng hóa. Không chỉ riêng năm 2021, cả giai đoạn 2016-2021, XK thép của Việt Nam đều đạt được những kết quả đáng mừng, khi tăng trưởng bình quân XK thép và bán thành phẩm thép khoảng hơn 20%/năm, trong đó tính riêng XK thép thành phẩm tăng trưởng khoảng 12%/năm.
Khẳng định rõ hơn về điều này, ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho rằng, nhờ có Hiệp định EVFTA, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và EU đã tăng trưởng theo hướng bền vững hơn cả về chất và lượng.
“Nông sản, dệt may, thủy sản là những ngành hàng đã tận dụng tốt các cơ hội từ Hiệp định EVFTA. Ngoài cơ hội về mở rộng, đa dạng hoá thị trường, Hiệp định EVFTA cũng đem lại cho Việt Nam cơ hội để cải cách thể chế, minh bạch hoá, cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh và chuyển đổi cơ cấu hàng hoá hướng tới xuất khẩu các mặt hàng giá trị gia tăng cao”, ông Thái nêu lợi thế.
Dù đang từng bước tận dụng lợi thế từ các FTA mang lại, song để quá trình XK thực sự thông thoáng và bền vững, hàng hóa của Việt Nam phải tuân thủ các tiêu chuẩn, quy định không mấy dễ dàng. Giới chuyên gia kinh tế nhận định, các DN Việt Nam cần phải nỗ lực hơn nữa để mới có thể bứt phá trên "con đường cao tốc" này.
Ông Trần Hữu Huỳnh, nguyên Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cho rằng, các FTA đã mở ra nhiều cơ hội XK, song Việt Nam chưa khai thác hết được những ưu đãi về thương mại hàng hóa. Các mặt hàng sản xuất, xuất khẩu truyền thống như dệt may, da giày... được đẩy mạnh. Tuy nhiên, Việt Nam chủ yếu làm gia công, chi phí lao động cao. Các mặt hàng truyền thống khác như gạo, tiêu, điều, cà phê…, với những ưu đãi thuế quan, các FTA mở ra cơ hội chế biến sâu hơn cho ngành hàng nhưng Việt Nam chưa làm được.
"Mở cửa cho mặt hàng XK là ích lợi lớn nhất từ các FTA. Tuy nhiên, đến nay XK của Việt Nam mới lớn lên về số lượng còn chưa thay đổi về cơ cấu, tính chất mặt hàng để tham gia sâu hơn, bền vững hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Gia tăng XK theo kiểu “1 cộng thêm 1” chứ không phải phát triển theo cấp số nhân", ông Huỳnh nói.
Bên cạnh đó, ông Huỳnh cũng cho rằng, kì vọng mở rộng thị trường với các FTA là rất lớn. Trong khi XK sang các thị trường mới chưa làm được thì ở các thị trường XK truyền thống, Việt Nam cũng chưa khai thác được lợi thế để thúc đẩy XK một số sản phẩm có tiềm năng, điển hình như câu chuyện XK ớt, tỏi, hành...
“Việt Nam chỉ có lợi thế “đi trước đón đầu" với các thị trường XK quen thuộc nhờ ký kết FTA trước, song chưa tìm được các thị trường nhỏ, ngách trong thị trường truyền thống. Các cơ quan xúc tiến thương mại, các DN cũng chưa tận dụng được kiều bào Việt Nam ở nước ngoài để khai thác thị trường. Những điều này tuy nhỏ nhưng sẽ giúp ích nhiều và khi tận dụng tốt, Việt Nam có thể phát triển sản xuất lớn", ông Huỳnh nêu quan điểm./.