Báo cáo từ Bộ Công Thương cho thấy, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 bùng phát, tính chung 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 122,8 tỷ USD, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu giảm 2,9%, đạt 117,3 tỷ USD.
Trừ nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng nhẹ 0,8%, xuất khẩu các nhóm hàng đều sụt giảm so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu nhóm hàng nông, thủy sản giảm 4,6% (đạt 11,7 tỷ USD); xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản giảm 34,5% (ước đạt 1,5 tỷ USD). Nhiều mặt hàng xuất khẩu quan trọng cũng ghi nhận sụt giảm so với cùng kỳ như: hàng dệt, may đạt 13,18 tỷ USD, giảm 12,7%; giầy dép đạt 8,13 tỷ USD, giảm 6,9%.
Về thị trường xuất khẩu, ngoại trừ thị trường Châu Mỹ, xuất khẩu sang các khu vực thị trường đều giảm so với cùng kỳ: châu Á đạt 60,78 tỷ USD, giảm 2,5% (trong đó ASEAN đạt 10,95 tỷ USD, giảm 18,7%); châu Âu đạt 20,33 tỷ USD, giảm 9,3% (trong đó EU-27 đạt 16,49 tỷ USD, giảm 6,8%); Châu Phi đạt 1,14 tỷ USD, giảm 3,7%; Châu Đại Dương đạt 1,86 tỷ USD, giảm 2,2%.
Tại khu vực Châu Âu, xuất khẩu sang Anh, Pháp, Tây Ban Nha giảm mạnh (Anh đạt 2,34 tỷ USD, giảm 19,8%; Pháp đạt 1,58 tỷ USD, giảm 18,1%; Tây Ban Nha đạt 990 triệu USD, giảm 25,3%).
Các thị trường nói tiếng Trung có kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh là: Trung Quốc (đạt 19,67 tỷ USD, tăng 18,2%); Hong Kong (Trung Quốc) (đạt 4,11 tỷ USD, tăng 27,5%); Đài Loan (Trung Quốc) (đạt 2,19 tỷ USD, tăng 18,3%).
Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn chung, tín hiệu tốt là xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước vẫn duy trì mức tăng trưởng khá, 6 tháng đầu năm 2020 đạt 42,3 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2019.
Kim ngạch xuất khẩu tháng 6 cũng thể hiện sự hồi phục ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát với con số xuất khẩu đạt 22,6 tỷ USD, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước và tăng 17,6% so với tháng 5/2020.
EVFTA và sự hồi phục
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), 6 tháng cuối năm 2020, xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam dự báo sẽ tăng trưởng khả quan hơn so với quý II/2020 sau khi nhiều nước bắt đầu nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh và bắt đầu đẩy nhanh quá trình phục hồi, mở cửa.
Tuy nhiên, cơ quan này cũng nhận định, xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục đối diện với các yếu tố khó lường khi tình hình dịch bệnh chưa được kiểm soát hoàn toàn và sẽ khó đạt được kết quả tích cực như các năm trước.
"Diễn biến tình hình thực tế cho thấy xuất khẩu còn nhiều khó khăn. Mất việc làm, thu nhập giảm khiến nhu cầu của người tiêu dùng cho sản phẩm nhập khẩu khó có thể sớm cải thiện. Dự báo cho năm 2021 sẽ phụ thuộc nhiều vào diễn biến phòng, chống dịch và mở cửa lại nền kinh tế trên thế giới", đại diện Cục Xuất nhập khẩu cho biết.
Một trong những lý do để đưa ra nhận định về sự hồi phục nêu trên, theo Cục Xuất nhập khẩu, xuất khẩu 6 tháng cuối năm có thể hy vọng từ việc thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam- Liên minh châu Âu (EVFTA), đây là cơ hội lớn để Việt Nam tiếp cận thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 thế giới với dân số hơn 508 triệu người, GDP khoảng 18.000 tỷ USD. Sau khi dịch bệnh được kiểm soát tại Châu Âu, Hiệp định EVFTA được đưa vào thực thi, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có lợi thế rất lớn từ việc giảm/xóa bỏ hàng rào thuế quan vào thị trường EU để khai thác thị trường này.
Về phía cơ quan quản lý nhà nước đối với lĩnh vực xuất nhập khẩu, trong bối cảnh hiện nay, đại diện Bộ Công Thương cho biết, sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu. Bộ đã kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhiều giải pháp không chỉ để tháo gỡ khó khăn cho giao thương, xuất khẩu mà còn hướng tới duy trì hoạt động sản xuất hiệu quả.
Theo đó, để đáp ứng nhu cầu tìm hiểu thông tin của người dân và doanh nghiệp trên cả nước về Hiệp định EVFTA một cách thuận lợi và hiệu quả, Bộ Công Thương đã xây dựng và đưa vào vận hành chuyên trang thông tin điện tử về Hiệp định EVFTA tại địa chỉ: http://evfta.moit.gov.vn/. Đây là Cổng thông tin chính thức của Bộ Công Thương, đăng tải các thông tin tổng quan về EVFTA, cam kết chính của EVFTA trong các lĩnh vực chủ chốt như hàng hóa, dịch vụ - đầu tư…, các thông tin hữu ích cho nhà xuất khẩu, toàn bộ văn kiện Hiệp định EVFTA (tiếng Anh và bản dịch tiếng Việt).
Ngoài ra, Bộ Công Thương đã áp dụng ứng dụng công nghệ thông tin từ rất sớm để cải cách thủ tục hành chính nhằm thúc đẩy xuất khẩu. Một ví dụ điển hình là Hệ thống chứng nhận xuất xứ điện tử eCoSys đang được triển khai cho phép thương nhân xuất khẩu nộp chứng từ đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá (C/O) trực tuyến.
Đến nay, trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, 6 thủ tục hành chính đã thực hiện hoàn toàn dưới hình thức trực tuyến và kết nối Hệ thống Một cửa Quốc gia; 11 thủ tục hành chính được thực hiện hoàn toàn dưới hình thức trực tuyến cấp độ 4.