Các loại xúc xích tự làm được phân chia vào các bịch nilon lớn, nhỏ khác nhau, tùy trọng lượng để đem bán ra thị trường. |
Trong vai người có nhu cầu mua xúc xích, tôi đã liên lạc với chị Nguyễn Thùy Linh qua một số điện thoại được người quen giới thiệu. Chị Linh cho hay, xúc xích do gia đình chị tự làm có giá từ 90.000-150.000 đồng/kg, được làm từ thịt ngon và tươi sống, đặc biệt không chứa các chất phụ gia, không chứa chất bảo quản, không hàn the, không phẩm màu…
Qua điện thoại, chị Linh quảng cáo thêm rằng: “Em muốn xem hình ảnh xúc xích do chị làm thì cứ vào trang facebook của chị mà xem, còn muốn đến tận nhà chị mua số lượng xúc xích lớn để làm đại lý, em cứ theo địa chỉ xxx tại Q.Tân Bình”.
Qua các ảnh chụp sản phẩm được chị Linh đăng tải trên facebook, hàng chục chiếc xúc xích tự làm được đặt trong những loại bao bì lớn, nhỏ không nhãn mác với đủ trọng lượng, từ 500 g đến 1 kg, thậm chí khối lượng nhiều hơn tùy thuộc vào khách hàng yêu cầu… Điều đáng quan tâm ở đây là, những bịch xúc xích do chị Linh bán lại không có bất kỳ thông tin nào về ngày sản xuất, hạn sử dụng. Khi tôi thắc mắc về các chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm cho sản phẩm này, chị Linh đã nói: “Tôi kinh doanh nhỏ, không cần giấy phép nên làm gì có các loại giấy chứng nhận”. Không chỉ vậy, khi tôi ngỏ ý muốn mua số lượng xúc xích lớn, chị Linh còn mách nhỏ với tôi rằng, để lời nhiều, thịt ba rọi và lòng non dùng để xay nhuyễn nên mua ở chợ vào buổi chiều mới rẻ.
Xúc xích tự làm được đặt trong những bao bì không nhãn mác, không có ngày sản xuất, hạn sử dụng. |
“Nếu em lấy mối thường xuyên chỗ chị, cứ mua 3 kg, chị lại tặng thêm 1 kg. Hơn nữa, chị chỉ lấy giá vốn, tức là 50.000 đồng/kg. Còn em có thể “đôn” giá ra ngoài thị trường đến 170.000 đồng/kg. Làm như vậy để em có cơ hội kiếm lời” - chị Linh nhấn mạnh.
Khi chính tai tôi nghe được những lời trên, một dấu hỏi đặt ra trong đầu tôi rằng, vậy chất lượng của xúc xích này sẽ ra sao khi nguyên liệu của chúng có thể được làm từ những miếng thịt, lòng non sắp ôi thiu vào thời điểm cuối ngày ngoài chợ và được mua về với giá rẻ để chế biến thành phẩm? Trả lời người viết, chị Ngô Linh Nga, một người nội trợ tại Q.8, bày tỏ: “Tôi rất ưa chuộng đồ ăn nhà làm nhưng không phải lần nào mua cũng được sản phẩm ngon. Hay nói cách khác là “hên xui” hoặc “lúc này lúc kia”. Chẳng biết lần đó bịch xúc xích tôi mua đã hết hạn chưa nữa, vì chẳng ghi ngày tháng sản xuất hay sử dụng trong bao lâu gì cả. Cứ nghĩ để xúc xích trong tủ lạnh ăn dần trong một tuần nhưng để đến ngày thứ 2, tôi đã thấy có mùi thiu thiu. Nhưng do tiếc tiền nên tôi vẫn chiên xúc xích lên ăn. Sau đó, tôi đau bụng dữ dội đến mức người thân phải đưa đến bệnh viện. Từ đó đến nay, tôi chẳng dám mua xúc xích tự làm”.
Trước thực tế người bán hàng vì lợi ích của bản thân, sẵn sàng hạ thấp chất lượng của sản phẩm, bác sĩ Dương Thị Kim Loan, Trưởng khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Thống Nhất cho rằng hầu hết những người bán hàng kiểu này chủ yếu đánh vào tâm lý thích mua hàng tiện lợi của các chị em. Bên cạnh đó, các sản phẩm tự làm lại được quảng cáo bằng những ngôn từ gần gũi, quen thuộc như ngon, bổ, rẻ, hợp vệ sinh nên những người kinh doanh thực phẩm tự làm dễ dàng gây thiện cảm và chiếm được lòng tin của người tiêu dùng. Mặc dù vậy, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, nếu không được kiểm soát chặt chẽ, người dùng có lúc sẽ mua phải những mặt hàng kém chất lượng, thậm chí bị ôi thiu vì không biết ngày sản xuất, ngày hết hạn.
Theo bác sĩ Loan, người tiêu dùng nên đến những cửa hàng thực phẩm uy tín để mua các loại xúc xích chất lượng, có nhãn mác, bao bì và có ghi nguồn gốc sản xuất rõ ràng. Tránh mua những loại xúc xích tự làm trên “chợ mạng”, kẻo tiền mất tật mang.
Ngọc Mai