Ba Lan đồng thời kêu gọi các thành viên NATO khác sở hữu máy bay cùng loại làm điều tương tự. Điều này đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ có quyền chuyển giao máy bay chiến đấu MiG-29 cho Ukraine. Theo hãng tin Reuters, Bộ Ngoại giao Ba Lan cũng thông báo: "Ba Lan đề nghị Mỹ cung cấp các máy bay đã qua sử dụng, có khả năng hoạt động tương ứng và thiết lập ngay các điều kiện mua máy bay".
Phản ứng trước tuyên bố của Ba Lan, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland cho hay: "Theo như tôi biết, việc Ba Lan dự định chuyển giao số máy bay này cho Mỹ đã không được tham vấn trước với Mỹ. Vì vậy, tôi nghĩ đây là một bước đi bất ngờ của Ba Lan".
Một máy bay MiG-29 của Không quân Ba Lan. Ảnh: Reuters
Trước đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy kêu gọi phương Tây chuyển giao thêm máy bay chiến đấu cho Ukraine. Các chuyên gia cho biết quân đội Ukraine sử dụng thành thạo máy bay do Nga sản xuất, do đó MiG-29 là lựa chọn tốt nhất. Trong khi đó, việc đào tạo phi công điều khiển máy bay do Mỹ sản xuất có thể mất nhiều năm.
Động thái của Ba Lan diễn ra một ngày sau khi các nhà lập pháp Mỹ thúc giục chính quyền Tổng thống Joe Biden tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển giao máy bay chiến đấu từ Ba Lan sang Ukraine, cũng như từ các nước thành viên NATO và Đông Âu khác. Ba Lan đang hỗ trợ chính quyền Kiev vũ khí phòng thủ nhưng tuyên bố sẽ không gửi máy bay chiến đấu đến Ukraine vì nước này không phải là bên trực tiếp tham chiến trong cuộc xung đột giữa Ukraine và Nga.
Trong khi đó, các quan chức Mỹ cho biết có những thách thức về mặt hậu cần trong việc chuyển máy bay sang Ukraine và cung cấp máy bay Mỹ thay thế cho Ba Lan. Các chuyên gia nhận định việc hạ cánh các máy bay chiến đấu Ba Lan tại một căn cứ không quân của Mỹ ở Đức và những lo ngại khác về cách đưa số máy bay này vào Ukraine là những vấn đề pháp lý vẫn chưa có lời đáp.