Kết thúc cuộc họp kéo dài 2 ngày, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) ngày 15/12 cho biết họ sẽ bắt đầu giảm mua tài sản ngay từ tháng 1/2022 (mỗi tháng giảm 30 tỷ USD) và sẽ kết thúc việc mua trái phiếu thời kỳ đại dịch vào cuối tháng 3 hoặc tháng 4/2022, mở đường cho 3 đợt tăng lãi suất dự kiến với biên độ 0,25 điểm % từ giữa năm 2022, đưa mức lãi suất điều hành lên 1% cuối năm 2022 và có thể còn tăng tiếp 2-3 lần trong 2023-2024 với lý do chính là nền kinh tế Mỹ đang đạt được tối đa hóa việc làm và lạm phát toàn cầu cũng như tại Mỹ gia tăng nhanh.
Liên quan đến vấn đề FED thắt chặt chính sách tiền tệ, nhiều chuyên gia cho rằng không có quá nhiều bất ngờ bởi đây là quyết định bình thường của FED trong bối cảnh lạm phát của quốc gia này đang tăng cao kỷ lục.
Ông Hoàng Công Tuấn, Kinh tế trưởng Công ty Chứng khoán MB (MBS) chia sẻ trên trang cá nhân rằng quyết định của FED không có gì bất ngờ, nhìn số liệu kinh tế thất nghiệp giảm xuống 4,2% gần bằng mức 3,7% trước dịch. Lạm phát cơ bản của Mỹ rất cao, lên tới 6,8% tháng 11, mức cao nhất trong vòng hơn 30 năm trở lại đây. Chính sách tiền tệ siêu nới lỏng, lãi suất siêu thấp đã tác động rất mạnh đến nền kinh tế Mỹ, kích được nguồn cầu lớn trở lại. Yếu tố đứt gãy kinh tế gây áp lực lạm phát gia tăng ở Mỹ rất mạnh nên không có một lý do gì để FED duy trì dài hạn chính sách này. Do đó quyết định FED thay đổi chính sách tiền tệ hiện tại, thắt chặt hơn, gói QE thu hẹp hơn. Tháng 3/2022 thì gói QE có khả năng kết thúc, theo kinh nghiệm thì sau đó khoảng hơn 3 tháng thì gói QE sẽ kết thúc.
Ông Tuấn nhận định không có kỳ vọng gì về việc FED sẽ đảo ngược lại quá trình này nếu như không có diễn biến gì quá bất ngờ. Nhiều quan chức của FED còn dự báo lãi suất sẽ tăng lần đầu vào tháng 3 năm sau. Tức là tăng 4 lần trong năm sau.
Ông Hoàng Công Tuấn, Kinh tế trưởng Công ty Chứng khoán MB (MBS)
FED là ngân hàng trung ương lớn mạnh, có tác động đến thị trường tài chính toàn cầu. Động thái của FED có ảnh hưởng đến nhiều ngân hàng trung ương toàn cầu, trong đó có Ngân hàng Nhà nước (NHNN) của Việt Nam, quyết định này sẽ đẩy USD mạnh lên. Kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh mẽ, USD mạnh lên, hút dòng vốn toàn cầu về. Từ đó gây áp lực lên dòng nội tệ của quốc gia khác, trong đó có Việt Nam. Khi VND yếu đi, lãi suất ở Mỹ tăng lên, NHNN đứng trước quyết định buộc phải tăng lãi suất lên.
"Thời cơ để hạ lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế đã qua rồi, duy trì mặt bằng lãi suất hiện tại để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi. Giữ được mặt bằng lãi suất hiện tại đã là sự cố gắng lớn từ NHNN trong bối cảnh các nền kinh tế lớn trên thế giới có xu hướng nâng lãi suất lên", ông Tuấn phân tích.
Về việc tác động lên thị trường chứng khoán, ông Tuấn nhấn mạnh năm 2020-2021, chứng khoán Việt đã có nhịp tăng tăng trưởng mạnh, năm 2021 đã tăng hơn 30%, cũng chỉ kém năm 2007 tăng 55%. Xung lực tăng của thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2021 đến từ dòng tiền lãi suất thấp. Xung lực tăng của thị trường năm 2022 không thể bằng năm 2021. Rất nhiều nhà đầu tư có thành quả tốt năm 2021. Năm 2022 đầu tư cần thận trọng hơn, chọn lọc hơn, không có chuyện đầu tư cổ phiếu nào cũng có lãi, vì mặt bằng giá chung của thị trường năm 2022 sẽ không thể tăng mạnh mẽ như năm 2021.
"Tôi luôn lạc quan về triển vọng dài hạn của thị trường chứng khoán. Kể cả thị trường có đi xuống cũng là điều chỉnh tạm thời. Song, thời điểm này có thể nhìn thấy năm 2022 sẽ không có tăng mạnh mẽ được nữa. Điều này đến từ rất nhiều yếu tố không chỉ đến từ yếu tố lãi suất. Lãi suất của Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung sẽ từ từ đi lên, khi chính sách tiền tệ được bình thường hoá. New Zealand đã tăng lãi suất 2 lần, Hàn Quốc cũng tăng 2 lần, Nga hay Brazil cũng dự kiến tăng lãi suất. Việt Nam áp lực lạm phát tương đối nhỏ, do chúng ta kiểm soát cung tiền ngay từ đầu, không quá bung lụa về cung tiền, mặt bằng lãi suất cũng không quá sâu. NHNN ngoài giảm lãi suất 3 lần năm 2020 thì không có thêm chính sách nào do đó áp lực lãi suất năm 2022 không quá nhiều, lãi suất tăng nhẹ", ông Tuấn nói.
Theo vị chuyên gia, tất cả những điều đó đã được nhà đầu tư, quỹ đầu tư đánh giá và do đó xung lực tăng của thị trường chứng khoán không còn nhiều nữa giống như năm 2020-2021.
Do đó, nhà đầu tư năm 2022 cần đầu tư chọn lọc, vào doanh nghiệp có phục hồi lợi nhuận cao hơn sự phục hồi của nền kinh tế mới có thể gặt hái được lợi nhuận. Còn nếu chúng ta đầu tư vào doanh nghiệp tăng trưởng ì ạch, thậm chí kết quả kinh doanh hạn chế, không có yếu tố hỗ trợ kết quả kinh doanh khi mặt bằng giá đã ở mức cao rất khó để có lợi nhuận.
Tóm lại, xung lực tăng thị trường chứng khoán đến từ 2 yếu tố chính là đến từ nội tại doanh nghiệp tăng trưởng và mặt bằng lãi suất. Năm 2022, yếu tố lãi suất phai nhạt dần dù vẫn tồn tại những quý đầu năm 2022, sau đó giá cổ phiếu muốn gia tăng thì cần phải có sự hỗ trợ của yếu tố kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Trước đó, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta cũng cho rằng quyết định của FED không có quá nhiều bất ngờ với giới tài chính lúc này vì hầu hết các nhà đầu tư đều đã lường trước. Lãi suất có xu hướng ổn định đầu năm 2022 và nhích nhẹ cuối năm 2022. Ông Minh dự đoán năm 2022 Ngân hàng Nhà nước sẽ nới room ngoại cho nhiều ngân hàng để các ngân hàng có thể huy động nguồn vốn trung hạn giá rẻ, hoặc phát hành trái phiếu quốc tế để huy động nguồn vốn.
"Ngân hàng hiện nay không chỉ phụ thuộc vào nguồn vốn huy động, rất nhiều các ngân hàng đã tận dụng được nguồn vốn giá rẻ của quốc tế thông qua kênh phát hành trái phiếu. Năm 2022, có thể Ngân hàng Nhà nước sẽ nới room ngoại cho nhiều ngân hàng để tăng cường huy động nguồn vốn trung hạn với lãi suất ổn định từ đó có thể ổn định mặt bằng lãi suất, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi tốt hơn", ông Minh nói.