Quy định trên đã khiến khá nhiều nhà đầu tư bất ngờ. Đặc biệt, các chuyên gia chứng khoán cũng có những ý kiến trái chiều về quy định được xem như "phao cứu sinh " đối với các doanh nghiệp thuộc diện hủy niêm yết bắt buộc .
Trên thị trường chứng khoán , những ngày qua cổ phiếu HVN của Hãng Hàng không Quốc gia (Vietnam Airlines) được giới đầu tư tranh luận khá sôi nổi, về việc có thuộc "trường hợp ngoại lệ" được Chính phủ cứu hay không?
Bởi, theo Dự thảo sửa đổi và bổ sung Luật Chứng khoán vừa được công bố, Điều 120 về hủy niêm yết cổ phiếu bắt buộc được bổ sung thêm điều khoản về trường hợp đặc biệt.
Thực tế, tính đến năm 2022, Vietnam Airlines đã lỗ 3 năm liên tiếp và âm vốn chủ sở hữu, do đó thuộc diện hủy niêm yết theo quy định của Luật Chứng khoán hiện hành. Tuy nhiên, nếu điều khoản bổ sung nói trên được thông qua, Chính phủ có thể xem xét tiếp tục duy trì niêm yết đối với cổ phiếu HVN.
Được biết, Nhà nước sở hữu 86% vốn tại Vietnam Airlines thông qua Ủy ban Quản lý Vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC).
Trước đó, Kế toán trưởng của Viietnam Airlines, ông Trần Thanh Hiền, cũng kỳ vọng cổ phiếu HVN tiếp tục duy trì trên sàn chứng khoán.
Ông cho biết tình huống của Vietnam Airlines rất đặc biệt. Trước đại dịch Covid-19, Vietnam Airlines là một trong những doanh nghiệp có vốn hóa lớn, khả năng sinh lời và tài chính lành mạnh trên sàn HoSE. Tuy nhiên, đại dịch có ảnh hưởng lớn đến kinh tế toàn cầu và ngành hàng không, đây là tình huống rất khách quan.
"Tôi tin tưởng rằng các cơ quan Nhà nước, cơ quan liên quan sẽ nghiên cứu, đánh giá các yếu tố trên một cách khách quan, cẩn trọng. Chúng tôi kỳ vọng rằng cổ phiếu HVN vẫn được duy trì trên sàn chứng khoán", ông Hiền nói.
Trên thị trường chứng khoán , phản ứng trước thông tin này, có phiên cổ phiếu HVN thậm chí còn "tím sàn" khi tăng lên 13.100 đồng/CP với khớp lệnh lớn, gần 3 triệu cổ phiếu và trắng lệnh bán, trước khi giảm về vùng giá hiện tại ở mức 12.450 đồng/CP.
Ngoài Vietnam Airlines, một mã chứng khoán khác cũng thuộc diện hủy niêm yết bắt buộc nhưng cũng là 'trường hợp đặc biệt', đó là mã HNG của Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai.
Cụ thể, HNG đã có 10 quý liên tiếp kinh doanh thua lỗ (từ quý II/2021 tới quý III/2023) kể từ khi chính thức về tay tỷ phú Trần Bá Dương vào năm 2021. Khoản lỗ lũy kế của HNG phình to từ mức hơn 2.306 tỷ đồng (đầu năm 2021) lên gần 7.450 tỷ đồng (cuối tháng 9/2023), tương đương gấp 3,2 lần.
Trong 2 năm liên tiếp 2022-2023, HNG đều lên kế hoạch lỗ trước thuế từ 2.300 – 2.700 tỷ đồng. Riêng năm 2022, HNG thực tế đã lỗ trước thuế hơn 3.465 tỷ đồng.
Tại ĐHCĐ thường niên năm 2023 của HNG, tỷ phú Trần Bá Dương cho biết: "Tính tới tính lui không có cách nào khác ngoài việc phải lỗ". Theo ông, HNG chấp nhận kinh doanh thua lỗ trong năm 2023, chấp nhận hủy niêm yết để trở nên mạnh mẽ hơn.
Nếu tiếp tục thua lỗ trong năm 2023, khả năng cao cổ phiếu HNG sẽ rơi vào diện hủy niêm yết bắt buộc , do công ty có 3 năm liên tiếp thua lỗ trên báo cáo tài chính. Hiện, cổ phiếu HNG liên tục duy trì trong diện cảnh báo kể từ ngày 7/9/2020. Đến ngày 12/4/2023, cổ phiếu HNG bị chuyển sang diện kiểm soát.
Dù "án" hủy niêm yết luôn cận kề, cổ phiếu HNG trên thị trường chứng khoán lại có những diễn biến bất ngờ, khi đã leo dốc không ngừng thời gian qua.
Cụ thể, hồi cuối tháng 10/2023, cổ phiếu HNG đóng cửa ở mức giá 3.350 đồng/CP. Tuy nhiên, hiện tại giá cổ phiếu HNG đã tăng lên trên vùng giá 5.000 đồng/CP.
Liên quan đến Điều 120 Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán và khả năng được "cứu" của cổ phiếu HVN, ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao Chứng khoán KIS Việt Nam, nhận định trường hợp Vietnam Airlines thì tôi đồng tình nên được "cứu".
Lý do là vì, theo quy định của pháp luật, việc hủy niêm yết bắt buộc là quy định hợp lý cho những doanh nghiệp không làm tốt, đặc biệt trong hoạt động quản trị kinh doanh, thì phải bị hủy niêm yết để tránh gây thiệt hại, thua lỗ cho nhà đầu tư . Tuy nhiên, cũng có những doanh nghiệp ngoài hoạt động kinh doanh thì cũng có những hoạt động mang ý nghĩa về mặt xã hội, yếu tố hỗ trợ về khía cạnh địa chính trị… và Vietnam Airlines là một điển hình.
Do đó, khi bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 hay tai nạn bất khả kháng, thì không nằm trong dự liệu của mọi người, và nó cũng không đến do lỗi điều hành của doanh nghiệp.
"Không phải do Vietnam Airlines là ăn kém hay ban lãnh đạo của doanh nghiệp điều hành kém, dẫn đến bị thua lỗ… nhưng đây là do nguyên nhân bất khả kháng nên tôi nghĩ nên tạo điều kiện, cơ hội để cho doanh nghiệp phục hồi là hợp tình hợp lý. Hơn nữa, phải hiểu đây là những trường hợp cá biệt, phải được sự xem xét, thẩm định và cuối cùng là chấp thuận của Chính phủ", ông Phương nói.
Về quan ngại việc mở ra "trường hợp đặc biệt này" liệu có là tiền đề xấu hay sự đánh giá không tốt của nhà đầu tư nước ngoài? Giám đốc cấp cao Chứng khoán KIS Việt Nam cho hay, điều này còn tùy thuộc vào quan điểm, tùy thuộc vào góc nhìn của nhà đầu tư nước ngoài.
"Những doanh nghiệp phải mang tính đặc thù, đặc trưng và đặc biệt; tức là không phải doanh nghiệp nào cũng được giải quyết mà chỉ những doanh nghiệp phục vụ mục tiêu phát triển đất nước mà lại gặp các hoàn cảnh khó khăn, thì rõ ràng cũng phải xem xét đa chiều. Vì vậy, nếu là nhà đầu tư nước ngoài chuyên nghiệp, họ cũng sẽ có góc nhìn khách quan hơn. Bởi quyết định này nếu được chấp thuận thì có thể hiểu và thông cảm được", ông Phương nói thêm.
Tuy nhiên, vẫn có ý kiến trái chiều về quy định này. Theo chuyên gia chứng khoán Trần Bá Duy, Giám đốc Tư vấn Đầu tư Chứng khoán VPS, dưới góc độ nhà đầu tư , đặc biệt là nhà đầu tư HVN, thì thông tin này là rất tốt, nhưng nếu xét về mặt minh bạch thì quy định này sẽ tạo ra một tiền lệ không tốt, rằng dù Vietnam Airlines là doanh nghiệp nhà nước nhưng vẫn phải theo một cơ chế thị trường.
"Khi đã tham gia cuộc chơi mà Vietnam Airlines có cơ chế riêng thì dường như tạo ra cảm giác một cuộc chơi không minh bạch và công bằng. Có thể các tổ chức quốc tế nhìn vào thì sẽ thấy không được fair play", ông Duy nói.