Đây là nội dung tại Công điện số 71/CĐ-TTg ngày 21/7/2024 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô tháng 7 và Quý III năm 2024.
Liên quan đến chính sách giảm 50% phí trước bạ đối với xe ô tô trong nước, tháng 6/2024, Bộ Tài chính có đề xuất Chính phủ chính sách giảm 50% phí trước bạ đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước từ 12% xuống 6% ở Hà Nội và từ 10% xuống 5% ở các địa phương khác.
Tuy nhiên, sau khi có nhiều ý kiến không đồng thuận từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, mới đây, Bộ Tài chính có Tờ trình gửi Chính phủ xin rút lại đề xuất giảm 50% phí trước bạ đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.
Về chính sách giảm 50% phí trước bạ đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, Chính phủ đã thực hiện 3 lần giảm vào các năm 2020, 2021 và năm 2023 để hỗ trợ doanh nghiệp, người tiêu dùng vượt qua khó khăn của đại dịch Covid-19.
Về Công điện số 71, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, tình hình kinh tế - xã hội nước ta còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp và khó lường; căng thẳng địa chính trị, cạnh tranh nước lớn ngày càng gia tăng, sự phục hồi của các đối tác thương mại lớn còn chậm, lãi suất USD thế giới neo ở mức cao, rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất toàn cầu...
Trong nước, nền kinh tế có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn; áp lực lạm phát, tỷ giá có xu hướng tăng; thị trường tài chính, tiền tệ vẫn tiềm ẩn rủi ro; hoạt động sản xuất, kinh doanh trong một số lĩnh vực còn khó khăn; thiên tai, hạn hán, sạt lở, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp,...
Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính triển khai hiệu quả các chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền sử dụng đất, giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng, giảm phí, lệ phí đã được ban hành.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu, Ngân hàng Nhà nước sử dụng hiệu quả các công cụ điều hành để điều tiết tỷ giá, lãi suất, phù hợp với diễn biến tình hình kinh tế vĩ mô và mục tiêu đề ra, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế; tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát rủi ro nợ xấu, triển khai hiệu quả các biện pháp xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng.
"Tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiết giảm chi phí hoạt động, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để giảm lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên; thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, tập trung cho các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng kinh tế, ưu tiên hạn mức tín dụng cho các tổ chức tín dụng hoạt động hiệu quả, nhất là cho nhà ở xã hội, tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn…", Công điện của Thủ tướng nêu.
Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các cơ quan liên quan thúc đẩy gói tín dụng nhà ở xã hội 120 nghìn tỷ đồng, gói tín dụng hỗ trợ nông, lâm, thủy sản 30 nghìn tỷ đồng.
Về đầu tư công, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương quán triệt, coi giải ngân đầu tư công là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm; bám sát kế hoạch, mục tiêu giải ngân chi tiết từng dự án để tập trung chỉ đạo.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh phải khẩn trương hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư các dự án dự kiến khởi công mới cuối năm 2024; khắc phục các bất cập để giải ngân nhanh hơn, sử dụng hiệu quả hơn vốn ODA.
"Kiên quyết xử lý các trường hợp cố tình chậm tiến độ giao, thực hiện, giải ngân vốn, tiêu cực, tham nhũng, thất thoát, lãng phí", Thủ tướng nêu.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương tiếp thu ý kiến thành viên Chính phủ để trình cấp có thẩm quyền trong tháng 7 năm 2024 điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2024 giữa các bộ, cơ quan, địa phương theo chỉ đạo tại các Nghị quyết số 65/NQ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2024, số 82/NQ-CP ngày 05 tháng 6 năm 2024 và số 108/NQ-CP ngày 10 tháng 7 năm 2024.
Đối với Bộ Công Thương, Thủ tướng yêu cầu cơ quan này phải có giải pháp quản lý, điều tiết sản xuất, ổn định cung cầu các mặt hàng, nhất là lương thực, thực phẩm, năng lượng và hàng hóa thiết yếu khác, bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, cung ứng đủ điện, xăng dầu trong mọi tình huống.
Bên cạnh đó, cần thực hiện hiệu quả các chính sách đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng trong nước, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử. Đồng thời, thực hiện kịp thời biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ lợi ích chính đáng của các ngành sản xuất trong nước.