Yêu cầu vô nghĩa
Luật sư Trương Anh Tú, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho rằng, việc bà Thảo yêu cầu cưỡng chế thi hành án là vô nghĩa, bởi Trung Nguyên đã ban hành quyết định bãi nhiệm mới đối với bà Thảo, 1 ngày sau quyết định của tòa án.
Trước đó, ngày 20.9, tòa tuyên án trên cơ sở cho rằng, quyết định bãi nhiệm chức danh Phó TGĐ thường trực của bà Lê Hoàng Diệp Thảo do ông Đặng Lê Nguyên Vũ ký ngày 13.4.2015 với tư cách Chủ tịch HĐQT của Công ty Trung Nguyên là không phù hợp với quy định của pháp luật.
Bởi theo Luật Doanh nghiệp và (có lẽ) Điều lệ của công ty này, Chủ tịch HĐQT không có quyền bãi nhiệm chức vụ của bất kỳ người nào trong công ty. Do đó, quyết định bãi nhiệm chức danh bà Thảo mà ông Vũ ký là không có giá trị pháp lý. Quyết định này đã xâm phạm đến quyền lợi của bà Thảo nên tòa tuyên hủy bỏ quyết định đó, đồng thời yêu cầu phôi khục lại chức danh cho bà Thảo.
Sau khi tòa phán quyết khôi phục lại chức vụ Phó TGĐ Thường trực cho bà Thảo, chỉ 1 ngày sau, ông Vũ lại ra quyết định bãi nhiệm chức vụ của bà Thảo. Khác biệt là ở quyết định năm 2015, ông Vũ ký với tư cách Chủ tịch HĐQT, còn ở quyết định lần này, ông Vũ ký với tư cách TGĐ.
Luật sư Trương Anh Tú cho rằng: "TGĐ là người đại diện về mặt pháp lý cho một công ty và họ phải hành xử theo Luật Doanh nghiệp và Điều lệ của doanh nghiệp. Quyết định năm 2015 do ông Vũ ký với tư cách Chủ tịch HĐQT là không đúng luật. Tôi nghĩ, có thể là do bộ phận thư ký đã có sự nhầm lẫn nào đó về chức danh dẫn đến việc ông chủ của Trung Nguyên đưa ra một quyết định “lỗi”. Bởi người có thẩm quyền ra các quyết định bãi nhiệm là TGĐ chứ không phải là Chủ tịch HĐQT".
"Lần này, có lẽ ông Vũ và đội ngũ của mình đã có sự tính toán kỹ càng và không mắc phải sai lầm nữa. Quyết định bãi nhiệm chức vụ của bà Thảo do ông Vũ ký lần này với tư cách TGĐ là đúng luật", luật sư Tú phân tích.
Cơ hội mong manh
Tuy nhiên, theo luật sư Trần Thu Nam, Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội, việc Trung Nguyên tiếp tục bãi nhiệm bà Thảo là vi phạm pháp luật, đi ngược lại với phán quyết của tòa án.
"Không ai có thể làm theo kiểu đánh đố nhau như vậy. Tòa cứ tuyên thì Trung Nguyên lại ra quyết định khác. Đó là một tư duy sai lầm", LS Nam nói.
Bà Thảo hoàn toàn có quyền yêu cầu cưỡng chế thi hành án đối với Trung Nguyên. Tuy nhiên, luật sư Nam cũng thừa nhận đây là một vấn đề pháp lý nan giải đối với bà Thảo khi phải tranh chấp, khởi kiện để đòi quyền lợi và chắc chắn sẽ không thể dễ dàng quay lại Trung Nguyên như mong muốn.
"Sau khi có bản án, việc thi hành án là việc khó. Việc khôi phục chức vụ cho bà Thảo thì đã có theo quyết định của tòa nhưng không ai có thể bắt ông Vũ phải ban hành quyết định khôi phục chức cho bà Thảo", luật sư Nam nói.
Hơn thế nữa, do Trung Nguyên xuất phát là công ty gia đình nên những quy định liên quan liên quan đến quyền hạn của từng người không được chặt chẽ, nên sẽ khó cho bà Thảo.