Liên quan đến việc xử lý vi phạm đối với dự án Tổ hợp bãi đỗ xe, phòng khám y tế, dịch vụ công cộng, trung tâm thương mại và xây dựng công trình hỗn hợp siêu thị, chợ, văn phòng cho thuê tại ô đất B9/CC1, B9/CC3 và C3/CC2 thuộc Khu đô thị Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy) do Công ty CP đầu tư Thùy Dương (TD Group) làm chủ đầu tư, theo Thông báo kết luận của Thanh tra Chính phủ (TTCP), việc UBND TP Hà Nội cho thuê đất để thực hiện dự án xây dựng công trình công cộng có mục đích kinh doanh theo hình thức xã hội hóa, không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất là phù hợp với quy định của pháp luật.
Dự án trên 3 khu “đất vàng” nằm trong khu đô thị Nam Trung Yên (Cầu Giấy, Hà Nội) đã chậm triển khai 11 năm gây lãng phí tài nguyên đất đai.
Tổng Công ty đầu tư và phát triển Hà Nội (Handico) và TD Group ký Hợp đồng liên danh thực hiện dự án, trong đó Handico góp 10% vốn, Công ty Thùy Dương góp 90% vốn. Tuy nhiên đến thời điểm rút khỏi liên danh Handico chưa góp vốn để thực hiện dự án theo cam kết.
Việc Handico rút khỏi liên danh phù hợp với quy định Điều 424 Bộ Luật Dân sự năm 2005 về chấm dứt hợp đồng dân sự; quy định tại Điều 8 Luật Doanh nghiệp năm 2005 và Điều 8 Nghị định 09 năm 2009 của Chính phủ…
Theo TTCP, tại thời điểm rà soát, dự án vẫn là bãi đất trống, chủ đầu tư là TD Group chưa được giao đất, cho thuê đất để thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng. Công ty đã nộp vào ngân sách hơn 148,5 tỷ đồng, đồng thời Công ty có văn bản đề xuất với UBND TP Hà Nội giữ nguyên mục tiêu xây dựng các công trình dịch vụ công cộng theo quy hoạch ban đầu dự án được duyệt tại quyết định số 6661 năm 2009 của UBND TP Hà Nội.
Từ kết quả rà soát trên, TTCP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao UBND TP Hà Nội yêu cầu TD Group sớm hoàn thiện các thủ tục về đầu tư xây dựng để điều chỉnh quyết định giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất và thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định.
Đồng thời, UBND TP Hà Nội xem xét quyền thuê 10 (theo tỷ lệ góp vốn) của Handico khi rút khỏi liên danh và khẩn trương hoàn thiện các thủ tục theo quy định của pháp luật, thực hiện đầu tư và đưa dự án vào hoạt động đảm bảo tính đồng bộ của khu đô thị và quyền lợi của người dân trong khu vực.
Một phần diện tích dự án quây tôn, để hoang cỏ mọc um tùm. |
Trước đó, UBND TP Hà Nội có báo cáo kết quả kiểm tra, rà soát lại các dự án theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình. Trong đó, đề cập đến dự án tại ô đất B9/CC1, B9/CC3 và C3/HH, C3/CC1-1 Khu đô thị Nam Trung Yên.
Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, dự án đã được điều chỉnh quy hoạch và được tách ra thành 3 dự án: Tòa nhà hỗn hợp, siêu thị, dịch vụ thương mại và căn hộ để ở; Tổ hợp thương mại, dịch vụ công cộng hàng ngày, phòng khám đa khoa và Công trình xã hội hóa khu chợ thương mại thấp tầng.
Năm 2011, UBND TP Hà Nội đã giao 3 lô đất này với tổng diện tích 18.328m2 cho TD Group làm Dự án Tổ hợp bãi đỗ xe, phòng khám y tế, dịch vụ công cộng, trung tâm thương mại và xây dựng công trình hỗn hợp siêu thị, chợ, văn phòng cho thuê.
Dự án trên có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 1.229 tỷ đồng. Trong đó, tiền thuê đất và chi phí đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật là 51,2 tỷ đồng. Tiến độ thực hiện dự án từ quý IV/2015 đến quý I/2018.
Sau khi được giao dự án, TD Group đã liên danh với Handico, lập ra Công ty CP Handico - Thùy Dương. Tuy nhiên, đến ngày 7/8/2015, Handico bất ngờ xin rút khỏi liên danh, và được UBND TP Hà Nội chấp thuận…
Đáng chú ý, tại báo cáo UBND TP Hà Nội cho biết, đến nay, dự án đã chậm triển khai 11 năm gây lãng phí tài nguyên đất đai. Sai phạm của dự án này đã có ý kiến đánh giá của Uỷ ban kiểm tra Thành uỷ, Công an TP. Theo quy định, không có cơ sở pháp lý để cho phép nhà đầu tư tiếp tục triển khai dự án.
Phần diện tích còn lại của dự án trước đó sử dụng sai mục đích với nhiều hàng quán mọc lên làm sân bóng cỏ nhân tạo, quán cà phê, ga ra ôtô… |
Từ thực tế trên, UBND TP Hà Nội đã kiến nghị Nhà nước cần phải thu hồi toàn bộ các khu đất này để đưa vào quản lý, sử dụng theo đúng quy định của Luật Đất đai 2013 và Luật Quản lý sử dụng tài sản công.
Bên cạnh đó, UBND TP Hà Nội cũng kiến nghị Công an TP Hà Nội cần phục hồi điều tra để xác định vi phạm, xử lý các đối tượng theo đúng quy định của pháp luật. Trên cơ sở đó, các Sở, ngành liên quan có trách nhiệm và xử lý khắc phục vi phạm, giải quyết nội dung các công việc của ngành mình theo đúng quy định của pháp luật.