Trên thế giới, sau các cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, các nhà quản lý kinh tế đã đánh giá lại vai trò quan trọng của kiểm toán nội bộ tại doanh nghiệp. Đối với công ty chứng khoán (CTCK), với những đặc thù riêng, hoạt động kiểm toán nội bộ là một trong những vấn đề thu hút sự quan tâm của dư luận. Tại Việt Nam, quy định về hoạt động kiểm toán nội bộ được quy định tại Thông tư số 210/2012/TT-BTC ngày 30/11/2012 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn về thành lập và hoạt động CTCK và hiện nay đang được thay thế tại Dự thảo Thông tư mới.
Kiểm toán nội bộ chiếm lĩnh vị trí rất quan trọng trong bộ máy hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Theo các chuyên gia kinh tế, kiểm toán nội bộ giúp doanh nghiệp thực hiện mục tiêu thông qua tiếp cận một cách có hệ thống và có nguyên tắc để đánh giá và nâng cao hiệu quả của hoạt động quản trị rủi ro, hệ thống kiểm soát cũng như quy trình quản trị.
Trên thế giới kiểm toán nội bộ đã có mặt từ rất lâu trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nói chung và tại các CTCK nói riêng. Tại các nước phương Tây, sau các cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, các nhà quản lý kinh tế trên thế giới đã đánh giá lại các mô hình và thấy được vai trò của quản trị rủi ro cũng như vai trò của kiểm toán nội bộ đã trở nên ngày càng quan trọng.
Thậm chí, tại Mỹ, đất nước có thị trường chứng khoán rất phát triển thì kiểm toán nội bộ là bộ phận bắt buộc phải có và Luật Sarbenes – Oxley ra đời năm 2002 cũng quy định rõ tất cả các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán phải báo cáo về hiệu quả của hệ thống kiểm soát nội bộ công ty. Tại Việt Nam, trong những năm gần đây, kiểm toán nội bộ tại các doanh nghiệp, đặc biệt là các công ty đại chúng đã được quan tâm nhiều hơn. Đối với các CTCK, hoạt động kiểm toán nội bộ đã được quy định tại Điều 36, Thông tư số 210/2012/TT-BTC ngày 30/11/2012.
Tại Dự thảo Thông tư hướng dẫn hoạt động của CTCK (thay thế Thông tư số 210/2012/TT-BTC) hiện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (Bộ Tài chính) đang lấy ý kiến của các đơn vị, tổ chức, cá nhân tiếp tục có những sửa đổi, bổ sung đối với các quy định về kiểm toán nội bộ tại các CTCK. Cụ thể, theo Dự thảo Thông tư, CTCK là công ty cổ phần đại chúng hoặc công ty được cấp phép thực hiện nghiệp vụ môi giới chứng khoán phải thiết lập bộ phận kiểm toán nội bộ trực thuộc Hội đồng quản trị (Hội đồng thành viên).
Tại Mỹ, đất nước có thị trường chứng khoán rất phát triển thì kiểm toán nội bộ là bộ phận bắt buộc phải có và Luật Sarbenes – Oxley ra đời năm 2002 cũng quy định rõ tất cả các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán phải báo cáo về hiệu quả của hệ thống kiểm soát nội bộ công ty.
Bộ phận kiểm toán nội bộ có chức năng, nhiệm vụ: Đánh giá độc lập về sự phù hợp và tuân thủ các chính sách pháp luật, Điều lệ, các quyết định của Đại hội đồng cổ đông, Chủ sở hữu, Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên; Kiểm tra, xem xét và đánh giá sự đầy đủ, hiệu quả và hiệu lực của hệ thống kiểm soát nội bộ trực thuộc Ban Giám đốc nhằm hoàn thiện hệ thống này; Đánh giá việc tuân thủ của hoạt động kinh doanh đối với các chính sách và quy trình nội bộ; Tham mưu thiết lập các chính sách và quy trình nội bộ; Đánh giá việc tuân thủ các quy định pháp luật, kiểm soát các biện pháp đảm bảo an toàn tài sản; Đánh giá kiểm toán nội bộ thông qua thông tin tài chính và thông qua quá trình kinh doanh; Đánh giá quy trình xác định, đánh giá và quản lý rủi ro kinh doanh; Đánh giá hiệu quả của các hoạt động; Đánh giá việc tuân thủ các cam kết trong hợp đồng; Thực hiện kiểm soát hệ thống công nghệ thông tin; Điều tra các vi phạm trong nội bộ CTCK; Thực hiện kiểm toán nội bộ CTCK và các công ty con của CTCK.
Nguyên tắc hoạt động của kiểm toán nội bộ
Dự thảo Thông tư của Bộ Tài chính nêu rõ, hoạt động kiểm toán nội bộ phải bảo đảm các nguyên tắc sau:
Thứ nhất, tính độc lập: Bộ phận kiểm toán nội bộ độc lập với các bộ phận khác của CTCK, kể cả ban điều hành; hoạt động kiểm toán nội bộ độc lập với các hoạt động điều hành, nghiệp vụ của CTCK; cán bộ làm công tác kiểm toán nội bộ không được đảm nhận các công việc thuộc đối tượng của kiểm toán nội bộ, không được kiêm nhiệm công việc tại các bộ phận nghiệp vụ như môi giới, tự doanh, phân tích, tư vấn đầu tư, bảo lãnh phát hành, quản trị rủi ro.
Thứ hai, tính khách quan: Bộ phận kiểm toán nội bộ, nhân viên bộ phận kiểm toán nội bộ phải đảm bảo tính khách quan, công bằng, không định kiến trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình. CTCK phải bảo đảm kiểm toán nội bộ không chịu bất cứ sự can thiệp nào khi thực hiện đúng nhiệm vụ của mình. Nhân viên kiểm toán nội bộ phải thể hiện tính khách quan trong quá trình thu thập, đánh giá và truyền đạt thông tin về hoạt động hoặc các quy trình, hệ thống đã hoặc đang được kiểm toán. Kiểm toán viên nội bộ cần đưa ra đánh giá một cách công bằng về tất cả các vấn đề liên quan và không bị chi phối bởi mục tiêu quyền lợi riêng hoặc bởi bất kỳ ai khác khi đưa ra nhận xét, đánh giá của mình.
Thứ ba, tính trung thực: Kiểm toán viên nội bộ phải thực hiện công việc của mình một cách trung thực, cẩn trọng và có trách nhiệm; tuân thủ luật pháp và thực hiện các nội dung công việc công khai theo quy định của pháp luật và nghề nghiệp.
Thứ tư, bảo mật: Nhân viên bộ phận kiểm toán nội bộ cần tôn trọng giá trị và quyền sở hữu của thông tin nhận được, không được tiết lộ thông tin mà không có ủy quyền hợp lệ trừ khi có nghĩa vụ phải tiết lộ thông tin theo quy định của pháp luật và quy định nội bộ của công ty.
Các tiêu chuẩn đối với với nhân sự của bộ phận kiểm toán nội bộ
Đối với các CTCK, nhân sự của bộ phận kiểm toán nội bộ phải đáp ứng một số tiêu chuẩn nhất định. Theo đó, người làm việc bộ phận này không phải là người đã từng bị xử phạt từ mức phạt tiền trở lên đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm trong vòng 5 năm gần nhất tính tới năm được bổ nhiệm. Trưởng bộ phận kiểm toán nội bộ phải là người có trình độ chuyên môn về luật, kế toán, kiểm toán; Có đủ kinh nghiệm, uy tín, thẩm quyền để thực thi có hiệu quả nhiệm vụ được giao.
Nhân sự bộ phẩm kiểm toán nội bộ tại các CTCK không phải là người có liên quan đến các trưởng bộ phận chuyên môn, người thực hiện nghiệp vụ, Giám đốc (Tổng Giám đốc), Phó Giám đốc (Phó Tổng Giám đốc), Giám đốc chi nhánh trong CTCK, Không kiêm nhiệm các công việc khác trong CTCK. Đồng thời, cần phải có Chứng chỉ Những vấn đề cơ bản về chứng khoán và thị trường chứng khoán và Chứng chỉ Pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán hoặc Chứng chỉ hành nghề chứng khoán.