Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, ông Lê Ánh Dương nhận định tại Kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh khóa XIX, năm 2022 được xem là năm "lửa thử vàng, gian nan thử sức" đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bắc Giang khi khó khăn, thách thức cũ chưa qua, lại xuất hiện thêm nhiều khó khăn, thách thức mới. Tuy nhiên, UBND tỉnh Bắc Giang đã bám sát tình hình, thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt, và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.
Năm 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh Bắc Giang năm 2022 ước đạt 19,8% (gấp gần 2,5 lần bình quân chung cả nước), cao nhất từ trước đến nay và đứng thứ 2 cả nước. Đây là năm thứ ba liên tiếp Bắc Giang tăng trưởng cao (năm 2020 và 2021, Bắc Giang tăng trưởng lần lượt 13,02% và 7,82%). Từ vị trí thứ 15 toàn quốc, thứ 2 vùng Trung du miền núi phía bắc. Tỉnh Bắc Giang đã vượt qua Thái Nguyên và Vĩnh Phúc để vươn lên vị trí thứ 13 cả nước và đứng đầu vùng Trung du miền núi phía bắc.
Kết quả này đạt được, phần lớn là nhờ lĩnh vực sản xuất công nghiệp của tỉnh, cùng với việc thu hút FDI vào công nghiệp, đã có được sự bứt phá và đóng góp rất lớn cho tăng trưởng kinh tế.
Bắc Giang là tỉnh có sức hút lớn trước các nhà đầu tư nước ngoài nhờ nỗ lực hoàn thiện cơ sở hạ tầng, cùng các chính sách hấp dẫn đầu tư. Điển hình như việc thu hút được Tập đoàn Foxconn tới đầu tư và tiếp tục mở rộng sản xuất đã góp phần tăng thu hút FDI, phát triển công nghiệp mạnh mẽ, tạo đà tăng trưởng kinh tế.
Ngay khi trao chứng nhận đầu tư cho Foxconn, Chủ tịch Lê Ánh Dương đã cam kết: “Tôi khẳng định mạnh mẽ với các nhà đầu tư rằng, tỉnh Bắc Giang sẽ cung cấp hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ tốt nhất có thể đối với các nhà đầu tư, đặc biệt là việc giải quyết các thủ tục hành chính liên quan như để nhà đầu tư sớm triển khai dự án và đi vào sản xuất ổn định".
Với cam kết hỗ trợ của tỉnh, trong hai năm 2019 và 2020, doanh thu của Foxconn tại Việt Nam đạt lần lượt 3 tỷ USD và 6 tỷ USD. Năm 2022, Foxconn đã tiếp tục ký một biên bản ghi nhớ đầu tư 300 triệu USD vào tỉnh Bắc Giang nhằm mở rộng cơ sở sản xuất của họ.
Việc Foxconn tiếp tục lựa chọn Bắc Giang để triển khai dự án sản xuất các sản phẩm chiến lược công nghệ cao cho hãng Apple chứng tỏ sức hấp dẫn của môi trường đầu tư của tỉnh, có thể đáp ứng được cho các dự án công nghệ hàng đầu thế giới.
“Dự án của Foxconn chắc chắn sẽ tạo ra “cú hích” lôi cuốn làn sóng FDI có chất lượng về địa phương, có lợi cho mục tiêu tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội sau dịch Covid-19”, Chủ tịch Bắc Giang đánh giá.
Ông Đào Xuân Cường, Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh Bắc Giang đánh giá: Cho dù, trong thu hút vốn FDI, Bắc Giang có một số bất lợi nhưng điều đó không ảnh hưởng nhiều đến quyết định đầu tư vào tỉnh của nhiều nhà đầu tư.
Ông Cường cho hay, tiền thuê đất hay nhân công ở Bắc Giang không phải rẻ so với lại rất nhiều tỉnh, thành khác. Tuy nhiên, Bắc Giang lại có vị trí địa lý vô cùng thuận lợi, việc gần Hà Nội nên đi lại giao thương hàng hóa rất thuận tiện. Cùng với đó, hệ thống hạ tầng khá tốt, liên tục được nâng cấp, cải thiện trong thời gian vừa qua.
Tinh thần trách nhiệm cao của đội ngũ cán bộ, công chức trong việc thực thi công vụ, giải quyết thủ tục hành chính cũng như tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư là một điểm rất sáng. Làm việc với các nhà đầu tư, Bắc Giang luôn trả lời rõ ràng, thực hiện công việc đều công khai, minh bạch và đúng hẹn.
“Trên thực tế, Bắc Giang thực hiện mọi thứ rất nhanh, từ lãnh đạo cao nhất cho đến cán bộ cấp dưới đã nói, đã hẹn là luôn chuẩn’’, ông Đào Xuân Cường nhấn mạnh.
Trong dịp Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Singapore tại Việt Nam thăm và làm việc tại Bắc Giang diễn ra vào tháng 4/2022, ông Jaya Ratnam, Đại sứ Singapore, cho rằng, Bắc Giang có 3 lợi thế mà bất cứ nhà đầu tư nào cũng mong muốn. Thứ nhất là vị trí địa lý thuận lợi cho kết nối với sân bay, cảng biển. Thứ hai là nguồn lao động dồi dào, được đào tạo. Thứ ba là chính quyền thân thiện, luôn tạo thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư nước ngoài. Do đó, Bắc Giang có sức hút vô cùng lớn trước các nhà đầu tư nước ngoài.
Trong năm 2022, Bắc Giang trở thành tỉnh đầu tiên của cả nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050. Ông Lê Ánh Dương cho rằng, quy hoạch tỉnh được phê duyệt là điều rất quan trọng, giống như mở ra cánh cửa lớn để thu hút đầu tư, khai thác các tiềm năng, thế mạnh vốn có của tỉnh.
Từ đó, nhìn vào quy hoạch, các nhà đầu tư thấy được tiềm năng, thế mạnh, khả năng kết nối của Bắc Giang để họ bỏ vốn đầu tư. Do vậy thu hút đầu tư vào địa bàn tỉnh tới đây sẽ tiếp tục khởi sắc.
Ông Đào Xuân Cường tiết lộ: “Suất đầu tư tối thiểu vào KCN phải 100 tỷ đồng/ha, rất cao và chưa có tỉnh nào quy định như thế đâu! Bất kỳ nhà đầu tư nào muốn vào KCN tại Bắc Giang phải đáp ứng được yêu cầu này mới được chấp thuận”.
Bên cạnh đó, muốn đầu tư vào KCN Bắc Giang, nhà đầu tư phải đảm bảo lao động không được quá 350 người/ha. Mặc dù yêu cầu cao nhưng các doanh nghiệp vào Bắc Giang đầu tư đều đáp ứng được những yêu cầu này, thậm chí là còn vượt xa yêu cầu của tỉnh.
Điều này thể hiện rõ tinh thần không thu hút vốn đầu tư ồ ạt mà phải có chọn lọc của Bắc giang. Những doanh nghiệp sản xuất bằng công nghệ đơn giản sẽ khó đáp ứng được yêu cầu của tỉnh. Vậy chỉ còn những doanh nghiệp có công nghệ tốt được đầu tư vào Bắc Giang, từ đó tạo sự phát triển bền vững.
Yêu cầu đầu tư cao nhưng trong 5 năm qua, thu hút FDI của Bắc Giang luôn nằm trong 10 tỉnh, thành cao nhất cả nước. Trong 11 tháng đầu năm 2022, tỉnh Bắc Giang đã thu hút được 1,07 tỷ USD, xếp thứ 9 cả nước. Trong đó, cấp mới 33 dự, vốn đăng ký mới đạt 403,79 triệu USD; điều chỉnh tăng vốn cho 41 dự án, vốn đăng ký điều chỉnh đạt 601,95 triệu USD.
Ông Đào Xuân Cường cho biết, từ này đến năm 2030, tỉnh sẽ quy hoạch 29 KCN với 7.000 ha. Cùng với đó, tỉnh đang triển khai thêm một số KCN mới, sẵn sàng quỹ đất để thu hút đầu tư. Ban quản lý KCN được giao nhiệm vụ, cứ mỗi năm thu hút ít nhất khoảng 1 tỷ USD vốn đầu tư.
Một điểm mạnh nữa của Bắc Giang trong mắt nhà đầu tư, là các chính sách hỗ trợ người lao động.
Trước khi dịch Covid-19 diễn ra, lực lượng lao động tại Bắc Giang đến từ các tỉnh Tây Bắc khá đông. Trên thực tế, lực lượng lao động đến từ khu vực này có năng suất lao động, kỹ năng không tốt như những người dân Bắc Giang. Đặc biệt, nhóm lao động này cũng không có chất lượng tốt như những lao động đã đi làm tại các KCN trong miền Nam tại các tỉnh như Bình Dương, Đồng Nai…
Khi đại dịch diễn ra, người lao động trở về quê và thấy được mức thu nhập của người lao động ở KCN Bắc Giang đã khá tốt so với nhiều tỉnh, thành khác. Tận dụng cơ hội này, KCN tại Bắc Giang đã đưa ra nhiều chiến lược để giữ chân người lao động ở lại.
Tỉnh đã chỉ đạo Sở LĐTB&XH, UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền về nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cho người lao động trên địa bàn nắm được, tổng hợp nhu cầu tìm việc làm của người lao động và định kỳ thứ năm hằng tuần cung cấp cho Trung tâm Dịch vụ việc làm. Doanh nghiệp tuyển lao động theo thứ tự ưu tiên sẽ tuyển lao động đang ở các khu nhà trọ trên địa bàn tỉnh; tuyển lao động trong tỉnh; tuyển lao động ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, đơn vị chức năng còn lập nhóm zalo của người Bắc Giang đang làm việc tại các tỉnh, thành phố để mời gọi về làm việc tại tỉnh.
Những hoạt động đã tạo ra sự gắn bó giữa tỉnh với công nhân lao động và mang tính bền vững (vì công nhân ăn nghỉ ngay tại chính nhà, quê hương của họ…). Khi lao động các tỉnh ngoài chưa về Bắc Giang thì lực lượng lao động của Bắc Giang đã bù đắp vào số lượng này, nên Bắc Giang không bị thiếu lao động trầm trọng mà còn tăng hơn so với trước dịch.
Đến nay, nhiều lao động đã quyết định không vào miền Nam nữa mà ở lại làm việc trong các KCN Bắc Giang. Nhiều doanh nghiệp cũng giảm bớt được lao động đến từ vùng Tây Bắc, thay thế bằng người Bắc Giang.
Những lao động trở về Bắc Giang được đào tạo kỹ năng rồi nên dễ dàng đáp ứng tốt các yêu cầu của doanh nghiệp. Năng suất lao động của doanh nghiệp tốt hơn, thúc đẩy sự phát triển lâu dài của doanh nghiệp. Việc giữ chân được nhiều lao động chất lượng cũng góp phần tạo sức hút với nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Bởi vì chính lực lượng lao động sẽ tạo ra sự phát triển bền vững cho doanh nghiệp, ông Đào Xuân Cường chia sẻ.
Kế hoạch phát triển khu công nghiệp mới cũng tính đến việc tối ưu cho người lao động. Ưu tiên hiện nay của KCN Bắc Giang là phát triển các KCN mới, tại các huyện có điều kiện phát triển công nghiệp, chứ không tập trung ở địa bàn Việt Yên. Hiện nay, hệ thống giao thông của Bắc Giang được đầu tư khá nhiều, do đó phát triển KCN ở các huyện khác không gặp khó khăn trong việc giao thương hàng hóa hay việc đi lại của người lao động. Chính điều này sẽ giảm được áp lực cho lao động trong việc đi lại hay thuê trọ, đảm bảo được chất lượng sống cho lao động.
Ông Đào Xuân Cường khẳng định, Bắc Giang đã xác định công nghiệp là trụ cột của nền kinh tế và đóng góp rất lớn cho ngân sách và tăng trưởng kinh tế. Chính vì vậy, Bắc Giang chú trọng phát triển KCN để tạo nguồn thu ngân sách, rồi thúc đẩy phát triển thương mại dịch vụ, từ đó tạo phát triển cho toàn bộ kinh tế của tỉnh.
Công nghiệp phát triển đã góp phần quan trọng giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, nâng cao đời sống, thu nhập cho nhân dân và thúc đẩy các ngành, lĩnh vực khác cùng phát triển. Lấy công nghiệp là động lực chủ yếu cho tăng trưởng, Bắc Giang đã thu hút các doanh nghiệp FDI đến đầu tư.
Đặc biệt, ông Đào Xuân Cường nhấn mạnh, muốn vào KCN tại Bắc Giang, công nghệ sử dụng phải chiếm khoảng 30% tổng mức đầu tư mới được chấp nhận.
Trong năm 2022, UBND tỉnh Bắc Giang đã phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng KCN công nghệ cao Việt Hàn, huyện Việt Yên. KCN này có công nghệ hiện đại, tiên tiến, thân thiện với môi trường (ưu tiên bố trí các ngành công nghiệp nhẹ, thân thiện với môi trường giáp khu vực dân cư, hạn chế thu hút đầu tư các ngành công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường vào trong KCN).
Hiện nay, Bắc Giang đã tạo ra nhiều sản phẩm công nghệ cao như: Apple Watch, máy bay không người lái, một số sản phẩm điện tử, máy tính và phụ kiện, sản phẩm quang học, pin năng lượng mặt trời... Đây là những sản phẩm công nghệ cao, có sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế; là những sản phẩm chủ lực, chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu sản xuất, thúc đẩy phát triển công nghiệp của tỉnh theo hướng công nghiệp công nghệ cao.
Bên cạnh đó, Bắc Giang đang tiến hành quy hoạch KCN Xuân Cẩm - Hương Lâm, KCN này tập trung phát triển theo hướng KCN xanh, có công nghệ hiện đại, tiên tiến, thân thiện với môi trường. Diện tích lập quy hoạch khu công nghiệp khoảng 224 ha, dân số lao động khoảng 15.000 người.
Đồng thời, KCN Xuân Cẩm - Hương Lâm phát triển đa ngành, có hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại nhằm thu hút đầu tư trong và ngoài nước, bao gồm các lĩnh vực ngành nghề sản xuất như: Sản xuất, chế tạo thiết bị điện, điện tử, điện lạnh, các sản phẩm công nghệ, kỹ thuật cao phục vụ các ngành điện tử, công nghệ thông tin...; sản xuất, chế tạo cơ khí, chế tạo máy móc, thiết bị; sản xuất hàng tiêu dùng (không bao gồm các dự án thuộc ngành dệt may, da giày...).
Năm 2023, Bắc Giang tiếp tục đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao, 14,3%, và đang chuẩn bị mọi điều kiện để đón làn sóng đầu tư mới.