Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa mới có công văn gửi Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị tăng cường cường kiểm tra, xử lý nghiêm những thông tin đăng tải sai sự thật về dịch tả lợn châu Phi để tránh gây hoang mang trong xã hội.
Cụ thể, công văn của Bộ Nông nghiệp có nêu, vào ngày 4/3 vừa qua có thông tin về việc đánh tráo hình ảnh dịch tả lợn châu Phi để câu lượt truy cập trắng trợn trên một số fanpage, facebook rồi kêu gọi "tẩy chay" thịt lợn vì có thể lây sang người.
Bộ này cho biết, qua xác minh, kiểm tra, những hình ảnh trên facepage này là "lấy từ nhiều báo điện tử; cụ thể đây là hình ảnh bệnh sán dây ở lợn xảy ra tại tỉnh Bình Phước vào ngày 11/2018"; đồng thời, theo các nhà khoa học, "dịch tả lợn châu Phi cũng không lây sang người"…
Sự việc khá nghiêm trọng vì nhận được sự quan tâm và chia sẻ của đông đảo cộng đồng mạng.
Để công tác phòng, chống dịch bệnh tả lợn châu Phi đạt hiệu quả, đúng yêu cầu, vừa bảo vệ sản xuất, vừa thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm thịt lợn an toàn, Bộ Nông nghiệp đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng thông tin kịp thời, chính xác cho người dân về diễn biến tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi. Bên cạnh đó cũng tuyên truyền về các biện pháp phòng chống dịch theo Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 20/2/2019 của Thủ tướng Chính Phủ.
Ngoài ra, Bộ này cũng đề nghị tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm những thông tin đăng tải sai sự thật để tránh gây hoang mang trong xã hội.
Thực tế, trước diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi, trên mạng xã hội đang lan truyền thông tin về dịch tả lợn châu Phi có thể lây sang người khiến nhiều người hoang mang, lo lắng.
Song, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp khẳng định, bệnh dịch tả lợn châu Phi khiến lợn mắc bệnh bị chết 100% vì đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có thuốc chữ cũng như vắc xin phòng ngừa. Thế nhưng, bệnh dịch này chỉ lây từ lợn sang lợn, không lây sang người và các loài động vật khác.
Trong hội nghị trực tuyến mới đây về dịch tả lợn châu Phi, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Nguyễn Xuân Cường cho biết,Việt Nam có 14 triệu hộ chăn nuôi quy mô nông hộ, bởi vậy việc phòng chống dịch gặp nhiều khó khăn.
Tại Việt Nam, dịch đã xảy ra tại 7 tỉnh, thành phố là Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hà Nam và Hải Dương.Tổng số lợn bị mắc bệnh và tiêu hủy là 4.231 con, với trọng lượng tiêu hủy hơn 297 tấn. Tuy nhiên, việc ngăn chặn dịch lan rộng chưa thực sự hiệu quả.
"Dịch tả lợn châu Phi là bệnh dịch rất nguy hiểm cho ngành chăn nuôi lợn. Bởi lẽ, virus gây bệnh lan truyền rất nhanh bằng nhiều con đường, nhiều hình thức và đã xâm nhập vào đàn lợn là tỷ lệ chết rất cao, thậm chí 100%. Trên thế giới chưa tìm ra vacxin phòng, chống. Nếu không khống chế được thì tổn hại về kinh tế sẽ rất lớn.
Ngành chăn nuôi Việt Nam chiếm vị trí vô cùng quan trọng. Bởi vậy, ngay từ khi Trung Quốc xuất hiện ổ dịch đầu tiên vào tháng 8/2018, ngày 30/8 Bộ NN-PTNT đã có văn bản báo cáo, tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ra công điện chỉ đạo ngay các bộ, ngành, các tỉnh, thành triển khai các biện pháp phòng chống, ứng phó với dịch bệnh.
Tuy nhiên đây là dịch bệnh mới, lan truyền rất nhiều con đường khác nhau, Việt Nam có hơn 1.000km biên giới, hàng chục triệu lượt khách du lịch... nên từ tháng 2/2019 ổ dịch đầu tiên đã xuất hiện ở Hưng Yên và đến nay đã lan ra 7 tỉnh", Bộ trưởng nói.