Vừa qua, một cuộc bình chọn ứng dụng ngân hàng yêu thích nhất được tổ chức thông qua fanpage trực thuộc UBGroup - thành viên của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam. Với 32 ứng dụng ngân hàng (Mobile Banking) được đưa ra để bình chọn, HDBank và Sacombank là hai ngân hàng có ứng dụng lọt vào vòng chung kết.
Cuộc bình chọn đã thu hút sự chú ý của các ngân hàng. Sau khi hai ứng viên cho danh hiệu “ứng dụng được yêu thích nhất” được thông báo, fanpage của các hai bên cũng đồng thời đăng bài kêu gọi bình chọn. CEO Sacombank, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, cũng chia sẻ về cuộc thi trên trang cá nhân. HDBank gửi email đến từng khách hàng để bình chọn.
Kết thúc, ứng dụng của HDBank dành chiến thắng với hơn 214.400 lượt bình chọn, gấp gần 3 lần đối thủ. Trong khi đó, Sacombank thông báo rút khỏi cuộc thi sau một ngày tham gia bình chọn “trận” chung kết. Lý do được ngân hàng đưa ra là cuộc thi chưa đạt tiêu chí của ban tổ chức và kỳ vọng của các ngân hàng tham dự. Trên trang cá nhân, CEO Nguyễn Đức Thạch Diễm cũng có những chia sẻ về việc lượt “vote” của đối thủ tăng 50.000-70.000 đơn vị, trong một tiếng vào 2-3h sáng. Quán quân HDBank chưa thông báo về chiến thắng trên fanpage.
32 ứng dụng ngân hàng được đưa ra để bình chọn. Nguồn: Banker.vn
Trên CHPlay, ứng dụng Vietcombank được đánh già bình quân 1,7 sao, trong khi phần lớn các ngân hàng khác được đánh giá quanh 4 sao. Trên Appstore, ứng dụng này được bình chọn 3,1 sao, thấp hơn mặt bằng chung của ngân hàng. Tuy nhiên, Vietcombank là một trong 2 ứng dụng ngân hàng phổ biến nhất trên cả hai nền tảng Android và IOS (sau MB) với hơn 5 triệu lượt tải xuống trên riêng CHPlay. Một số ứng dụng ngân hàng nằm trong top 10 về độ phổ biến trên 2 nền tảng có thể điểm tới là VietinBank, Agribank, Techcombank, VPBank, Sacombank, ACB...
Xếp hạng của ứng dụng ngân hàng điện tử Vietcombank trên CHPlay (trái) và Appstore (phải). Ảnh: Chụp màn hình. |
Dù danh hiệu “yêu thích nhất hay kém yêu thích nhất” thuộc về nhà băng nào, cuộc thi bình chọn trên cũng cho thấy sự quan tâm của các ngân hàng đến việc phát triển ứng dụng ngân hàng điện tử trên điện thoại di động thông minh (smartphone) và sự quan tâm của khách hàng với hình thức này.
Mobile Banking trong cuộc đua hút khách hàng
Theo khảo sát của Statista, tính đến tháng 5/2021, Việt Nam có 61,3 triệu người dùng smartphone, nằm trong top 10 quốc gia trên thế giới và đứng thứ hai trong khu vực Đông Nam Á, sau Indonesia. Nhóm người dùng này là khách hàng tiềm năng cho các ứng dụng ngân hàng, nhất là trong bối cảnh thanh toán, giao dịch online qua điện thoại di động bùng nổ thời gian qua.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, trong 3 tháng đầu năm, giao dịch qua kênh điện thoại di động đạt 395 triệu món với giá trị hơn 4,6 triệu tỷ đồng, tăng tương ứng 78% về số lượng và 103% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Giao dịch qua kênh QR code đạt 5,3 triệu món với giá trị 4.479 tỷ đồng, tăng tương ứng 83% về số lượng và 146% về giá trị. Năm trước, số lượng lượng giao dịch thanh toán qua điện thoại di động cũng tăng 118,5% về số lượng và 121%. Covid-19 đã thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong 2 năm gần đây khi người dân lựa chọn phương thức mua sắm, chi tiêu, chuyển tiền, giao dịch trực tuyến nhằm đảm bảo giãn cách và an toàn trong bối cảnh dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn. Đây cũng là cơ hội để các ngân hàng đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển nâng cấp ứng dụng trên nền tảng di động, thu hút khách hàng.
Ông Phạm Đức Duy, Giám Trung tâm thẻ Sacombank, từng chia sẻ với Tuổi Trẻ ngân hàng đầu tư mạnh cho các giao dịch thanh toán không tiếp xúc trong nhiều năm trở lại đây và xu thế này thực sự bùng nổ khi đại dịch Covid-19 xảy ra, đem lại nhiều tiện ích cho khách hàng, vừa an toàn vừa tiết giảm chi phí. Ông Trần Quốc Anh, Giám đốc khối khách hàng cá nhân HDBank, cho biết thanh toán không tiền mặt trong 5 tháng đầu năm 2021 tăng vượt bậc. Dịch vụ thanh toán QR code trên ứng dụng dù mới được triển khai đầu năm trước nhưng đã tăng đột biến, 682% về doanh số và 528% về số lượng giao dịch so với cùng kỳ 2020.
Phát triển ứng dụng ngân hàng điện tử là hướng đi tất yếu của các ngân hàng. Ảnh: TheBank.vn |
Theo một báo cáo của KPMG về Mobile Banking từ năm 2015, với một ngân hàng, kênh điện thoại di động giúp tiết kiệm chi phí 43 lần so với một chi nhánh ngân hàng, 13 lần so với call center, 13 lần so với ATM và 2 lần so với kênh online (Internet Banking). Vì vậy với những ngân hàng bán lẻ, việc phát triển kênh giao dịch trên nền tảng di động cá nhân là điều cần thiết.
Mặt khác, với sự phát triển của công nghệ và eKYC, các ngân hàng đang có xu hướng tạo ra một ngân hàng thuần số (Neobank), không chi nhánh, giao tiếp hoàn toàn qua ứng dụng, có thể điểm tới như NeoVPBank, hay TNEX của MSB... Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng phối hợp với các công ty tài chính và các công ty thương mại điện tử, các chương trình ưu đãi có thể điểm tới như VPBank liên kết Shopee, Grab, Sacombank với Tiki... hoặc tạo ra các ví điện tử riêng như Ví Việt của LienVietPostBank… Toàn ngành ngân hàng đang trong cuộc đua chuyển đổi số, phát triển ứng dụng, đây là một trong những yếu tố sẽ quyết định vị thế của các nhà băng trong tương lai.