Liên tiếp hai vụ cháy xảy ra tại TP.HCM và Hà Nội đã lấy đi tính mạng 10 người. Những căn nhà bị cháy này đều là nhà phố, nhà ống, không có lối thoát hiểm.
Đánh cược tính mạng, tự “nhốt” trong nhà kín không lối thoát
Theo quy định hiện nay chỉ có công trình riêng lẻ làm khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ 5 tầng trở lên hoặc có khối tích trên 5.000m3 mới buộc phải có thiết kế phòng cháy chữa cháy (PCCC). Cùng với đó là thực tế đất chật, người đông “tấc đất, tấc vàng” tại các đô thị lớn nên hầu hết các công trình nhà ở riêng lẻ trong khu dân cư đều chỉ chú trọng đến tận dụng diện tích cho công năng sử dụng, chưa tính toán đến các yêu cầu kỹ thuật khác, trong đó có vấn đề PCCC, cứu nạn cứu hộ khiến những vụ hỏa hoạn thương tâm vẫn liên tiếp xảy ra ở các khu đô thị hiện hữu với thiết kế nhà riêng dạng ống.
Chỉ trong chưa đầy 1 tuần, hai vụ cháy liên tiếp xảy ra tại TP.HCM và Hà Nội đã lấy đi tính mạng 10 người. Những căn nhà bị cháy này đều là nhà phố, nhà ống, không có lối thoát hiểm.
Căn nhà bị cháy tại phường Cát Lái (TP Thủ Đức, TP.HCM) rạng sáng ngày 30/3 được thiết kế theo dạng ống |
Ghi nhận tại hiện trường căn nhà bị cháy rạng sáng ngày 30/3 ở phường Cát Lái (TP Thủ Đức, TP.HCM) khiến 6 người trong gia đình thiệt mạng là căn nhà cấp 4, tứ phía bít bùng, chỉ có một lối ra vào là cửa chính nhưng bị 5 chiếc xe máy chắn ngang.
Vụ cháy ở số nhà 311 Tôn Đức Thắng (quận Đống Đa, Hà Nội) ngày 4/4 là ngôi nhà hình ống, cao 3 tầng, 1 tum, có mái lợp tôn hàn sắt, diện tích mặt sàn mỗi tầng khoảng 60m2, mặt tiền rộng khoảng 3,2m, nhà có lối ra vào duy nhất là cửa chính. Ngôi nhà được gia đình sử dụng để kinh doanh đồ sơ sinh (bỉm, sữa...). Các mặt hàng xếp trên các kệ tủ hàng đặt ở tầng 1. Các tầng 2, tầng 3 và tầng tum cũng chứa hàng và là nơi sinh hoạt của gia đình.
Theo Đại tá Lê Văn Hiến, Phó trưởng Công an quận Đống Đa, cho biết Đống Đa là một quận đặc thù nội thành Hà Nội, có rất nhiều ngõ nhỏ, nhà trọ và nhà ở kết hợp kinh doanh dạng nhà ống, rất nhiều nhà không có lối thoát nạn. Chính vì vậy, khi xảy ra cháy ở dạng nhà này luôn thường trực nguy cơ tử vong.
Trao đổi với PV VietNamNet về vấn đề này, chuyên gia Lê Văn Thịnh, nguyên Trưởng phòng Quản lý chất lượng công trình xây dựng 1, Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) cho rằng, nhà ống hạn chế thoát nạn thì đúng nhưng nếu đầu tư đúng mức có hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động thì nhà ống vẫn đảm bảo an toàn.
Theo ông Thịnh, nhìn nhận từ thực tế hiện nay tại nhiều chung cư cũ đến nhà ở riêng lẻ nhiều gia đình cơi nới, xây dựng chuồng cọp như vậy coi như tự nhốt mình trong sự nguy hiểm trong lồng sắt bít kín.
“Về nguyên tắc người thiết kế không bao giờ thiết kế như vậy nhưng người sử dụng lại tự biến đổi. Bây giờ cần phải làm mạnh tay quyết liệt với vấn đề cơi nới xây dựng chuồng cọp. Để tránh tình trạng này luật pháp phải nghiêm, vi phạm là phải phá dỡ. Cơi nới như vậy không cháy thì cũng mất an toàn sập đổ. Bây giờ đổ lỗi cho nhà ống hay 1 lối thoát cũng không chính xác. Nếu ban công không làm lồng kín thì việc thoát hiểm sẽ khả thi” – ông Thịnh nói.
Hiện trường vụ cháy tại nhà 311 Tôn Đức Thắng (Đống Đa, Hà Nội) có một lối ra, vào |
KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cũng cho rằng một trong những “yếu huyệt” khi xảy ra hoả hoạn là ban công bị rào kín, đặc biệt các hộ nhà ống, tập thể thường lắp chuồng cọp kiên cố để tránh trộm cắp, mở rộng diện tích sinh hoạt.
“Ở đây cần nhìn nhận khách quan. Không thể cứ đổ lỗi cho thiết kế nhà ống. Về thiết kế nhà ống, đô thị cũ phải chấp nhận nhưng vấn đề ở đây là phải thích ứng, ứng phó với thực tế. Đặc biệt ban công không làm chuồng cọp vừa vi phạm trật tự xây dựng, mất mỹ quan đô thị vừa mất an toàn. Đây là trách nhiệm của thanh tra xây dựng” – ông Tùng nêu ý kiến.
Bên cạnh đó, vị Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng khi kinh doanh cần quản lý chặt chẽ các mặt hàng phù hợp với điều kiện kinh doanh cụ thể.
“Ta cũng phải thừa nhận với nhau rằng nhà phố trong cảnh “tấc đất, tấc vàng” người dân luôn tận dụng để kinh doanh, bán hàng. Nhà ở trong đô thị lại biến thành kho hàng, buôn bán là một điều rất nguy hiểm. Trong khi đó khả năng ứng phó với cháy nổ của người dân rất kém thậm chí chủ quan. Về luật kinh doanh khi mở cửa hàng thì có đảm bảo điều kiện để cấp phép kinh doanh không. Kinh doanh các loại mặt hàng cũng cần có những điều kiện riêng trong đó có vấn đề về PCCC. Điều này cần được quan tâm xem xét” – ông Tùng nói.
Cần diễn tập thoát nạn trong nhà phố, nhà ống
KTS Phạm Thanh Tùng nhận định điều rất quan trọng là ý thức của các gia đình phải tự bảo vệ và công tác giám sát kiểm tra của chính quyền sở tại.
“Đã đến lúc cần phải có hành động quyết liệt bảo vệ an toàn tính mạng của người dân, nhà ở riêng lẻ cũng phải có báo cháy và chữa cháy tự động. Nên sử dụng khoá thông minh, các thiết bị an toàn…” – ông Tùng nói.
Chuyên gia Lê Văn Thịnh đặt vấn đề, tại sao chỉ có nhà chung cư, nhà cao tầng, nhà trong khu đô thị mới làm hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động còn nhà riêng lẻ thì không?
Tại nhiều chung cư cũ đến nhà ở riêng lẻ nhiều gia đình cơi nới, xây dựng chuồng cọp như tự đánh cược tính mạng, nhốt mình trong sự nguy hiểm |
“Theo tôi bây giờ cần đưa vào luật “ép” tất cả nhà ở cho dù nhà ở riêng lẻ cũng phải có hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động. Trong các quy định hiện nay nếu chưa nói rõ cụ thể vấn đề cháy nổ cho nhà dân về vấn đề này thì cần xem xét” – ông Thịnh nhấn mạnh.
Ông Thịnh cũng cho rằng, thiết kế của nhà dân lẽ ra cần qua thẩm duyệt của công an PCCC và phải yêu cầu có PCCC tự động. Riêng đối với nhà ở kiêm cửa hàng thì hệ thống báo cháy tự động càng cần thiết.
“Không chỉ lưu ý về vấn đề lối thoát nạn, nhà dân cũng cần lưu ý về đường điện. Dây điện phải chịu được tải và thường xuyên kiểm tra bảo trì. Nhà dân thường dây dẫn điện thường chỉ là hệ thống điện chiếu sáng chung còn hệ thống điện động lực đun nấu lò bếp, máy giặt, tủ lạnh… nhà riêng lẻ không mấy nhà tách 2 hệ thống như vậy.
Về mặt thiết kế, kiến trúc phải bố trí lối thoát hiểm tuyệt đối không cơi nới, xây dựng chuồng cọp. Bây giờ cần phải làm mạnh tay quyết liệt với vấn đề cơi nới xây dựng chuồng cọp. Vi phạm là phải phá dỡ mới đảm bảo an toàn tính mạng người dân” – ông Thịnh nhấn mạnh.
Theo vị chuyên gia này, cũng cần nâng cao việc tuyên truyền tập huấn cho người dân khi cháy thì thoát hiểm ra sao. Cần diễn tập thoát nạn trong nhà phố, nhà ống trang bị kiến thức cho người dân khi cháy ở tầng 1 thì thoát hiểm ra sao, cháy tầng 2, tầng tum…thì cần làm thế nào. Khi người dân không có kỹ năng thoát hiểm thấy cháy lại chạy lên tum trong khi nơi này gia đình đã bịt kín, xây chuồng cọp là nơi không lối thoát thì lên đó lại là đường cùng, rất ít cơ hội sống sót, chết ngạt rất nhanh.
Bên cạnh đó, ông Thịnh cho biết, cần lưu ý thêm cửa ra vào các phòng thông ra hành lang, chiếu tới của cầu thang đều phải là cửa chống cháy. Khi dùng cửa cuốn cần lưu ý nếu xảy ra hoả hoạn hệ thống điện không điều chỉnh được thì dây xích để kéo bằng tay phải luôn luôn thả xuống ở tầm tay để có sự cố mới kéo được thuận lợi.
Thuận Phong