Trong bối cảnh cuộc cách mạng số, chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, việc ứng dụng công nghệ là đòi hỏi tất yếu, được coi là yếu tố sống còn với sự phát triển của các doanh nghiệp mọi ngành nghề lĩnh vực, đặc biệt trong ngành logistics.
Logistics đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế một quốc gia. Ngoài yếu tố quan trọng là con người, công nghệ là lợi thế cạnh tranh then chốt trên thị trường cạnh tranh này. Sự xuất hiện của các xu thế công nghệ mới như IoT, trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây, dữ liệu lớn, robot và tự động hóa, thực tế tăng cường (AR)... đang và sẽ tác động tới logistics.
Ứng dụng công nghệ là tất yếu
Đến nay trên thị trường đã xuất hiện các giải pháp ứng dụng trong đó, xuất hiện nhiều nhất là các ứng dụng trong vận tải đường bộ thông qua tối ưu hóa năng lực phương tiện, hoạch định và kiểm soát tuyến đường, thời gian, lịch trình, nâng cao tỷ lệ khai thác.
Tiếp đó, mảng nổi trội thứ hai là giải pháp tự động hóa các kho hàng thương mại điện tử, chuyển phát nhanh, giao hàng chặng cuối. Bên cạnh đó, một số ít nhà bán lẻ trong nước đang triển khai ứng dụng kết hợp giữa hệ thống thông tin - tự động hóa - AI trong quản lý chuỗi cung ứng...
Theo khảo sát được công bố tại Sách Trắng 2018, trên 30% các ứng dụng công nghệ thông tin hiện đang được sử dụng tại các doanh nghiệp logistics là các ứng dụng cơ bản như: hệ thống quản lý giao nhận, kho bãi, trao đổi dữ liệu điện tử, quản lý vận tải và khai báo hải quan (được ứng dụng nhiều nhất 75,2% đến 100%)...
Về mặt công nghệ, bên cạnh các đơn vị cung cấp giải pháp của nước ngoài, hiện nay trên thị trường cũng đã xuất hiện một số đơn vị cung cấp các giải pháp, nền tảng cho doanh nghiệp logistics như Smartlog, Abivin, Logivan...
Với Abivin, phần mềm có thể tạo ra một kế hoạch định tuyến tối ưu chỉ trong vài giây, đồng thời, tối đa hóa công suất của xe và giúp doanh nghiệp tiết kiệm 40% chi phí nhân lực và nhiên liệu. Giải pháp này sẽ giải quyết các vấn đề trong ngành logistics dựa trên nền tảng công nghệ phân tích dữ liệu lớn, AI, áp dụng thuật toán để tạo ra lộ trình nhanh nhất cho hàng trăm xe giao hàng, hàng nghìn đơn hàng trong vài giây.
Còn với Logivan đã ứng dụng AI, thuật toán so khớp xe tải và giá cả nhằm tối ưu hóa việc sử dụng các xe tải trống.
Là đơn vị cung cấp giải pháp hệ sinh thái phục vụ ngành logistics, ông Nguyễn Duy Hồng, Giám đốc Chi nhánh miền Bắc Công ty Cổ phần giải pháp chuỗi cung ứng Smartlog khẳng định, trong bối cảnh xu thế công nghệ số, chuyển đổi số, nếu không ứng dụng các công nghệ mới thì các doanh nghiệp sẽ tụt hậu. Khi thế giới đang chuyển mình, doanh nghiệp đứng yên một chỗ nghĩa là doanh nghiệp đang tụt hậu.
Đại diện Smartlog cho biết, trong hệ sinh thái các giải pháp phục vụ logistics phần mềm quản lý vận tải; phần mềm quản lý kho hàng và phần mềm giao hàng chặng cuối, giải pháp quản lý vận tải STM vừa giành danh hiệu Sao Khuê 2019 sẽ giúp quản lý hiệu quả, thông minh và trọn vẹn quá trình vận tải hàng hóa cho cả chủ hàng và các công ty dịch vụ logistics, được xây dựng trên nền tảng điện toán đám mây, AI, tích hợp ứng dụng trên điện thoại thông minh,.
Những lợi ích mang lại cho doanh nghiệp
Nói về những giá trị công nghệ mang lại cho các doanh nghiệp logistics, đại diện Smartlog cho biết, việc áp dụng giải pháp STM đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp trong quản trị vận tải, tối ưu hóa số lượng xe và quãng đường di chuyển (khoảng 10-25% so với chưa có hệ thống), qua đó góp phần tiết kiệm nhiên liệu và giảm ảnh hưởng đến môi trường của xe.
Cùng với đó giảm thao tác ghi chép thủ công, rút ngắn 30%- 50% thời gian chờ đợi chứng từ, thông tin trong quá trình thực hiện nghiệp vụ vận tải và cập nhật thông tin vận hành theo thời gian thực giúp quá trình ra quyết định nhanh chóng, chính xác...
Ông Hồng chứng minh trường hợp của TBS Logistics với việc dùng phần mềm quản trị kho đã giúp giảm 20-30% nhân công lao động tay chân, tăng tỷ lệ chính xác tồn kho lên đến gần 100%. Một số đơn vị ứng dụng phần mềm vận tải đã giúp giảm gần 90% thời gian lập kế hoạch.
Một doanh nghiệp sản xuất ô tô 250 xe mỗi ngày và phải vận chuyển đi 70 địa điểm khác nhau trên toàn quốc. Nếu một nhân công tính toán để ghép lồng xe sẽ phải mất 3-4 giờ nhưng với việc ứng dụng phần mềm và thuật toán sẽ chỉ cần mất 3 phút để có kết quả tối ưu nhất. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp giảm chi phí, giảm nhân lực và dành thời gian để phát triển các cơ hội kinh doanh khác...
Những thành công nói trên phần nào cho thấy vai trò của ứng dụng công nghệ trong phát triển của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics. Đặc biệt, trong bối cảnh thương mại điện tử đang bùng nổ, nếu coi thương mại điện tử là bộ não hoặc trái tim thì ngành logistics như mạch máu và xu thế 2 lĩnh vực này sẽ gắn kết chặt với nhau.
Ông Trần Trọng Tuyến, CEO Công ty Cổ phần Công nghệ Sapo nhấn mạnh, công nghệ thông tin, đặc biệt là những công nghệ như AI, Blockchain, IoT đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển logistic nói riêng và thị trường thương mại điện tử nói chung.
Logistics tại Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng khá mạnh mẽ, và công nghệ đang ngày càng có xu hướng thâm nhập sâu hơn vào toàn bộ quy trình, kết nối chuỗi dịch vụ logistics này.