Bất chấp những rung lắc của thị trường, nhóm cổ phiếu Công ty chứng khoán giao dịch vẫn khá tích cực trong phiên giao dịch 13/5 với nhiều mã ngược dòng tăng điểm, có thể kể tới như CTS, BSI, MBS, HCM, SSI, SBS,…
Mặc dù chịu áp lực cạnh tranh mạnh mẽ từ các Công ty chứng khoán ngoại nhưng dòng tiền vẫn hướng tới nhóm cổ phiếu này. Tại giá đóng cửa phiên 13/5, hầu hết các cổ phiếu CTCK đã có mức tăng trưởng hàng chục phần trăm từ đầu năm tới nay, bỏ xa đà tăng của VN-Index, thậm chí phần lớn các cổ phiếu ngành chứng khoán đều đang ở mức đỉnh lịch sử. Vậy điều gì đã khiến dòng tiền đổ mạnh vào nhóm cổ phiếu chứng khoán?
Cổ phiếu chứng khoán tăng "phi mã"
Lãi suất thấp hút dòng tiền vào chứng khoán
Kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện vào năm ngoái, các ngân hàng thương mại đã liên tục giảm lãi suất huy động để tạo cơ sở giảm lãi suất cho vay hỗ trợ nền kinh tế.
Thống kê cho thấy nhiều ngân hàng hiện đã giảm mạnh lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 6 tháng trở xuống chỉ quanh ngưỡng 5%/năm, với kỳ hạn 1 tháng, thậm chí một số ngân hàng chỉ còn đưa ra lãi suất quanh ngưỡng 3%/năm.
Trong bối cảnh lãi suất tiền gửi ngày càng thấp, các hoạt động kinh doanh khác cũng chưa khởi sắc bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19, rõ ràng chứng khoán với ưu điểm thanh khoản cao, "ra vào" dễ dàng đã trở thành kênh đầu tư hấp dẫn với nhiều nhà đầu tư mới.
Nhà đầu tư ồ ạt tham gia thị trường
Số liệu từ Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) cho biết trong 4 tháng đầu năm các nhà đầu tư nội đã mở mới 366.816 tài khoản chứng khoán, bằng 93% lượng tài khoản mở mới trong cả năm 2020 (393.659 tài khoản mở mới trong năm 2020). Đáng chú ý, lượng mở tài khoản mở mới trong năm 2020 là con số kỷ lục từ trước tới nay, gần gấp đôi năm trước đó.
Giá trị giao dịch bùng nổ
Thống kê quý 1 cho biết giá trị khớp lệnh bình quân trên HoSE đạt hơn 14.000 tỷ đồng/phiên, tăng 62% so với quý trước và gấp gần 5 lần cùng kỳ năm 2020. Thanh khoản thị trường quý 1 vừa qua cũng là con số kỷ lục từ trước tới nay, khiến cho hệ thống giao dịch HoSE liên tục tắc nghẽn.
Thời gian gần đây, hệ thống giao dịch đã trơn tru hơn và những phiên giao dịch thanh khoản 20.000 tỷ đồng đang thường xuyên diễn ra. Điều này cho thấy dòng tiền vào thị trường đang gia tăng mạnh mẽ khi các nhà đầu tư đặt nhiều kỳ vọng vào sự hồi phục của nền kinh tế cũng như hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp.
Thanh khoản thị trường bùng nổ
Các CTCK thường thu phí giao dịch từ 0,15% - 0,3% trên tổng giá trị mỗi giao dịch của khách hàng. Thanh khoản thị trường ngày càng tăng mạnh được kỳ vọng giúp các CTCK thu về khoản lợi nhuận lớn từ phí giao dịch.
Đẩy mạnh tăng vốn cho vay margin
Sự bùng nổ về thanh khoản thị trường thời gian qua không thể không nhắc tới yếu tố hỗ trợ từ dòng tiền margin. Theo ước tính, dư nợ cho vay (chủ yếu là cho vay margin) trên toàn thị trường tính tới cuối quý 1/2021 vào khoảng 110.000 tỷ đồng (~4,8 tỷ USD) và đây là con số kỷ lục trên TTCK Việt Nam từ khi thành lập tới nay. So với quý trước đó, dư nợ cho vay của các CTCK trên thị trường đã tăng thêm khoảng 20.000 tỷ đồng.
Cũng cần lưu ý, đây là số dư nợ không bao gồm cho vay 3 bên. Nêu tính thêm dư nợ từ cho vay 3 bên, con số thực tế sẽ lớn hơn rất nhiều 110.000 tỷ đồng.
Với mức lãi suất cho vay margin tại các CTCK thường vào khoảng 12% - 14%/năm, trong khi huy động đầu vào thường khoảng 8%/năm đã giúp các CTCK thu về khoản lợi nhuận không nhỏ từ hoạt động cho vay. Thậm chí, một số CTCK đã tung ra các hình thức huy động từ việc "hợp tác đầu tư", tận dụng nguồn tiền chưa giao dịch của khách hàng với lãi suất huy động thấp để cho vay margin.
Dư nợ margin tại các CTCK liên tiếp lập kỷ lục
Việc đẩy mạnh cho vay margin thời gian qua đã khiến không ít CTCK đã ở ngưỡng giới hạn và khó có thể cho vay được nữa khi quy định hiện chỉ cho phép CTCK cho vay tối đa 2 lần vốn chủ sở hữu. Để giải quyết vấn đề này, hàng loạt CTCK như VNDIRECT, SSI, HSC, VCSC, MBS…đã đồng loạt thực hiện tăng vốn để đáp ứng nhu cầu vay của khách hàng. Điều này được kỳ vọng sẽ giúp các CTCK có thể đẩy mạnh cho vay hơn nữa trong bối cảnh thị trường ngày càng sôi động.
Danh mục tự doanh của các CTCK bứt phá
Từ đầu năm tới nay, chỉ số VN-Index ghi nhận mức tăng trưởng hơn 14%, nằm trong top những chỉ số chứng khoán tăng trưởng tốt nhất Thế giới.
Với diễn biến tích cực của thị trường, danh mục tự doanh của các công ty chứng khoán dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt trong Quý 2/2021. Các Công ty chứng khoán có danh mục tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) lớn như SSI, SHS, VND, VCI được dự báo sẽ có kết quả kinh doanh tích cực. Bên cạnh đó, diễn biến sôi động của thị trường cũng giúp các "deal" tài chính diễn ra thuận lợi hơn, hứa hẹn đem lại doanh thu IB lớn cho các CTCK. Đây là yếu tố quan trọng thu hút dòng tiền đổ vào nhóm cổ phiếu này.