Các ngân hàng Hàn Quốc đang cố gắng tăng cường sự hiện diện của họ tại Việt Nam bởi kỳ vọng vào tiềm năng tăng trưởng tốt của ngành ngân hàng cũng như việc Việt Nam tính nới trần sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng.
Theo bài báo mới đây được Nikkei đăng tải, ngân hàng KEB Hana, ngân hàng lớn thứ 2 tại Hàn Quốc tính theo tài sản, đang có các cuộc đối thoại để mua lại 17,65% cổ phần của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hiện đang nắm 85,28% cổ phần tại BIDV, ngân hàng lớn thứ 2 tại Việt Nam tính theo tài sản. Ngân hàng Nhà nước đã đề xuất bán một phần cổ phần sở hữu cho ngân hàng KEB Hana.
Vào tháng 1/2018, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã thể hiện quan điểm chào đón KEB Hana tham gia vào quá trình cải tổ ngành ngân hàng Việt Nam.
Trong một cuộc gặp tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói với chủ tịch tập đoàn tài chính Hana: “Chính phủ Việt Nam coi năm 2018 như năm đẩy mạnh cải tổ ngành ngân hàng. Điều này sẽ giúp tạo ra cơ hội cho nhiều tổ chức tài chính ví như KEB Hana đầu tư vào lĩnh vực tài chính tại Việt Nam”.
Các cuộc đối thoại đang diễn ra ở thời điểm các ngân hàng của Hàn Quốc đang đẩy mạnh thâm nhập vào thị trường Việt Nam. Shinhan Bank, ngân hàng trực thuộc tập đoàn tài chính Shinhan, gần đây đã vượt qua HSBC để trở thành ngân hàng nước ngoài số 1 tại Việt Nam với tổng tài sản 3,3 tỷ USD và hơn 900 nghìn khách hàng.
Trong năm ngoái, ngân hàng Shinhan đã mua lại mảng bán lẻ của ngân hàng ANZ, vị thế của ngân hàng Shinhan tại Việt Nam vì vậy được củng cố thêm hơn nữa. Ngân hàng Shinhan tiếp quản hệ thống khoảng 95 nghìn khách hàng thẻ tín dụng của ngân hàng ANZ.
Giới chuyên gia phân tích chỉ ra rằng tiềm năng tăng trưởng của ngành ngân hàng Việt Nam cũng như việc Chính phủ nới lỏng các quy định điều tiết sẽ giúp cho Việt Nam ngày một hấp dẫn hơn đối với các ngân hàng Hàn Quốc.
Chuyên gia phân tích tại công ty chứng khoán Kiwoom Securities, ông Seo Young-soo, nhận xét: “Trong nhóm thị trường các nước mới nổi, Việt Nam là thị trường đáng thèm muốn nhất. Việt Nam có tỷ lệ đô thị hóa cao, thị trường khá tập trung so với các nước như Indonesia. Mô hình phát triển của ngành ngân hàng chịu định hướng của Chính phủ, khá tương đồng với các ngân hàng Hàn Quốc”.
Số liệu từ Financial Supervisory Service, một cơ quan quản lý tại Seoul, cho thấy tổng tài sản các ngân hàng Hàn Quốc đang nắm giữ tại Việt Nam trong năm 2017 tăng 18,9% lên 5,7 tỷ USD. Tỷ lệ tài sản nắm giữ của các ngân hàng Hàn Quốc tại Việt Nam như vậy cao nhất so với tỷ lệ tài sản nắm giữ của nhóm ngân hàng nước ngoài đến từ các nước khác. Tổng tài sản của ngân hàng ngoại tại Việt Nam trong cùng thời gian trên tăng 12,9% lên 42 tỷ USD.
Ngân hàng Shinhan, chi nhánh của Shinhan Bank, có lượng tài sản chiếm 59,7% trong tổng tài sản 5,7 tỷ USD, sau đó đến ngân hàng Woori với tỷ lệ 15,5%; ngân hàng Industrial Bank of Korea, KEB Hana và KB Kookmin Bank nắm giữ lượng tài sản còn lại.
Trong năm ngoái, lợi nhuận ròng của các ngân hàng Hàn Quốc tại Việt Năm tăng 28,9% lên 61 triệu USD.
Tuy nhiên, nếu xét đến lợi nhuận, các ngân hàng Hàn Quốc còn thua xa so với các ngân hàng châu Âu tại Việt Nam. Tỷ lệ ROE của ngân hàng Shinhan chỉ là 1,7% trong năm 2017, thấp hơn so với con số 1,9% của 1 năm trước đó. Tỷ lệ ROE của ngân hàng HSBC năm 2017 là 2,0%, mức tương đương như năm trước, theo số liệu của FSS.
Không chỉ riêng các ngân hàng Hàn Quốc đang muốn đẩy mạnh mở rộng hoạt động tại Việt Nam. Ngân hàng Mizuho của Nhật hiện nắm 15% cổ phần tại Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), ngân hàng Sumitomo Mitsui nắm 15% tại ngân hàng Eximbank, ngân hàng Thịnh vượng Úc nắm 20% cổ phần tại ngân hàng VIB.
Giới chuyên gia phân tích cho rằng các ngân hàng Hàn Quốc có lợi thế cạnh tranh tại Việt Nam bởi sở hữu dịch vụ công nghệ cao. Chuyên gia tại công ty chứng khoán Kiwoom nói: “Các ngân hàng Hàn Quốc hiện đang có lợi thế cạnh tranh tốt hơn trong ngành dịch vụ ngân hàng bán lẻ. Họ cung cấp được dịch vụ ngân hàng trên điện thoại di động vô cùng tiện lợi dựa trên công nghệ cao”.