Cổ phiếu chứng khoán nằm trong số những lĩnh vực gây sốt thị trường trong vòng hơn một tháng trở lại đây. Các doanh nghiệp đầu ngành đang trình diễn hiệu suất hết sức ấn tượng, nhiều mã đã tăng xấp xỉ 60%, vượt xa thị trường. Cùng giai đoạn này, VN-Index tăng hơn 12%, trong khi VN30 tăng 14,5%.
Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp chứng khoán được kỳ vọng sẽ tăng vọt, trong một năm mà nhà đầu tư cá nhân thúc đẩy đà tăng mạnh mẽ của thị trường, bất chấp khối ngoại liên tục bán ròng. Thêm nữa, nhà đầu tư mới (hay còn gọi là F0) đang đổ bộ vào thị trường với tốc độ chưa từng có. Hơn 100 nghìn tải khoản được mở ra mỗi tháng. Thanh khoản thị trường trên mức 1 tỷ USD mỗi phiên không còn là chuyện hiếm.
Cổ phiếu CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC) có thể xem là ví dụ tiêu biểu của ngành chứng khoán. Thị giá cổ phiếu này từng vượt mức 100.000 đồng (trước chia tách), sau khi chia tách vẫn đang là cổ phiếu chứng khoán thị giá cao nhất trên sàn. VCSC đã tăng gấp đôi kể từ đầu năm, và nếu so với mức đáy cuối tháng 3 năm ngoái còn tăng tới 7,5 lần.
Diễn biến giá cổ phiếu VCI
VCSC đã có màn chạy đà rất tốt trong quý 1, doanh thu tăng gấp đôi so với cùng kỳ đạt gần 800 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế đạt trên 300 tỷ đồng, gấp 4 lần. Cũng cần lưu ý rằng tăng trưởng này đến từ mức nền quý 1/2020 rất thấp, nhưng đây cũng là sự khởi đầu đầy hứng khởi. Chứng khoán Bản Việt thực hiện 38% kế hoạch doanh thu và 29% kế hoạch lợi nhuận sau 1/4 năm 2021.
Các mảng môi giới mà đặc biệt là đầu tư của VCSC đạt kết quả tốt. Mảng đầu tư đem về doanh thu 506 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 245 tỷ đồng. Những cổ phiếu thành công nhất mà VCSC nắm giữ gồm HPG, KDH và LPB. VCSC cho biết chiến lược đầu tư của công ty là tập trung vào các khoản đầu tư dài hạn tại các công ty có tiềm năng tăng trưởng lớn và có kế hoạch niêm yết trên sàn chứng khoán.
Trong khi đó, mảng Ngân hàng Đầu tư (IB) thực hiện tư vấn nhiều thương vụ lớn như IPO và niêm yết CTCP Dịch vụ Bất động sản Đất Xanh (DXS), SMBC mua 49% cổ phần FE CREDIT và Masan mua 20% cổ phần Phúc Long. Năm nay, kế hoạch của VCSC là tái khởi động các thương vụ lớn giúp thúc đẩy hoạt động IB bứt phá và củng cố vị thế trong nghiệp vụ này.
Ban lãnh đạo công ty chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên rằng, năm nay Chứng khoán Bản Việt sẽ thực hiện M&A giá trị 2,3 tỷ USD, IPO 200 triệu USD và huy động vốn hơn 100 triệu USD. Tuy nhiên, công ty không kỳ vọng vào nhiều thương vụ IPO (ngoài thương vụ DXS) do thị trường vẫn chưa thật sự sôi động trở lại và các doanh nghiệp chưa chuẩn bị kịp, mà hoạt động IPO sẽ bùng nổ vào năm sau.
Về thị phần, VCSC tự tin vào tỷ suất lợi nhuận cao với mảng môi giới của VCSC lên tới 40%. Chi phí quản lý của VCSC cũng thấp so với các công ty có thị phần tương đương, đồng thời hiệu quả hoạt động tốt nhất.
Mảng môi giới Khách hàng Tổ chức của VCSC đứng số 1 thị trường với gần 29% thị phần năm 2020. Công ty có đội ngũ nhân sự giàu kinh nghiệm, am hiểu thị trường, đến từ nhiều quốc gia. Năm ngoái, VCSC đã thực hiện chuyển đổi tư vấn sang hình thức trực tuyến rất nhanh trong giai đoạn đại dịch mà vẫn giữ được tính hiệu quả.
Chứng khoán Bản Việt hiện nắm trong tay nhiều khoản đầu tư được đánh giá cao, có thể kể đến như NAPAS và IDP trên sàn OTC với giá trị kỳ vọng trên dưới 1 tỷ USD vào năm 2022.
Trong mảng môi giới trái phiếu, VCSC là công ty có lợi thế về khách hàng đa số là công ty tốt nên trái phiếu phát hành là các sản phẩm chất lượng để phân phối cho khách hàng.
Mới đây, Chứng khoán Bản Việt đã tổ chức thành công hội thảo đầu tư thường niên Vietnam Access Days (VAD), lần đầu tiên năm 2014.
VCSC tổ chức thành công Vietnam Access Day 2021 qua hình thức điện đàm trực tuyến
Sự kiện năm nay tổ chức theo hình thức trực tuyến vẫn thu hút 455 đại diện tham dự từ các quỹ đầu tư, 35 doanh nghiệp cùng 17 chuyên gia/diễn giả tham gia trao đổi kiến thức, thông tin.
"Mạng lưới rộng khắp của VCSC là bí quyết để chúng tôi quy tụ các nhà đầu tư tổ chức nổi bật nhất trong ngoài nước, những doanh nghiệp lớn Việt Nam và các chuyên gia phân tích hàng đầu đến với VAD", đại diện công ty cho biết.