Trong báo cáo mới được công bố, CTCK Yuanta Việt Nam nhận định kinh tế vĩ mô Việt Nam trong tháng 7 nhìn chung là cho thấy sự gián đoạn thật sự do đợt bùng phát Covid-19 và các đợt giãn cách xã hội.
Việc FDI đăng ký bất ngờ giảm mạnh 53,8% so với cùng kỳ được cho là hệ quả của đợt bùng phát Covid tại Việt Nam và các nước đối tác như Singapore và Nhật Bản, đồng thời Yuanta nghiêng về kịch bản đây chỉ là giai đoạn chững lại của FDI do dịch bệnh.
Việt Nam tiếp tục nhập siêu 1,7 tỷ USD trong tháng 7 - cao thứ 2 tính từ đầu năm 2021 do xuất khẩu giảm mạnh 19% ở khối doanh nghiệp trong nước và chậm lại ở khối FDI khi chỉ tăng gần 25%. Tuy vậy, Yuanta vẫn chỉ ra có một số nhóm hàng duy trì tăng trưởng xuất khẩu như: dệt may, gỗ, cao su, hóa chất, nông – thủy sản, phương tiện vận tải và phụ tùng.
Hoạt động sản xuất công nghiệp trong tháng 7 vẫn tăng trưởng nhưng tiếp tục chậm lại do làn sóng dịch bệnh. Yuanta nhận thấy nhóm CN chế biến, chế tạo đã giảm tốc trong khi các ngành cơ bản như điện, nước tiếp tục có tăng trưởng tốt trong tháng 7 nhưng mức tăng đã chậm lại so với tháng 6. Số liệu PMI cũng cho thấy tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng do Covid vẫn tiếp tục trong tháng 7.
Đáng chú ý, ngành bán lẻ được đánh giá là đã “ngấm đòn” Covid thật sự trong tháng 7 khi tổng mức bán lẻ lũy kế 7 tháng đầu năm 2021 thấp hơn cùng kỳ 2 năm trước. Tuy nhiên, Yuanta vẫn đánh giá đây chỉ là “gián đoạn trong ngắn hạn” và duy trì quan điểm tích cực trong trung và dài hạn cho thị trường bán lẻ Việt Nam sau khi Chính phủ kiểm soát dịch thành công cũng như tiến độ tiêm vaccine đang được đẩy mạnh.
Yuanta cho rằng, lạm phát của Việt Nam tiếp tục chịu ảnh hưởng mạnh từ giá hàng hóa quốc tế (xăng dầu, giá thép). Hiện, giá các hàng hóa này trên thị trường quốc tế đang đi ngang và được kỳ vọng sẽ tạm thời chững lại đà tăng, do đó CPI có khả năng sẽ sớm tạo đỉnh ngắn hạn.
Yuanta cho rằng, trong kịch bản lạm phát có thể giữ được trong mức dưới 4%, sẽ có khả năng Chính phủ tiếp tục yêu cầu giảm lãi suất hoặc có một gói hỗ trợ kinh tế mới.
"VN-Index trở lại đỉnh cũ 1.420 điểm trong tháng 8"
Về thị trường chứng khoán, mức P/E TTM của chỉ số VN-Index hiện dưới mức 16 lần nhờ vào KQKD quý 2/2021 tăng trưởng mạnh cho thấy thị trường đang ở giai đoạn định giá rẻ.
Việc khối ngoại quay trở lại mua ròng mạnh và các chính sách tiền tệ nới lỏng tiếp tục duy trì cho thấy dòng tiền sẽ tiếp tục hướng vào kênh chứng khoán tuy nhiên sẽ hướng đến các thị trường mới nổi và cận biên có khả năng kiểm soát sớm dịch bệnh.
Yuanta dự báo chỉ số VN-Index có thể sẽ hồi phục trở lại mức đỉnh cũ 1.420 điểm trong tháng 8/2021. Tuy nhiên, khả năng vượt mức 1.420 điểm phụ thuộc vào khả năng kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam.
Đối với kịch bản khi dịch bệnh hạ nhiệt dần trong tháng 8/2021, chỉ số VN-Index còn có thể hướng về mức mục tiêu 1.456 – 1.500 điểm. Tuy nhiên, trong điều kiện tiêu cực khi dịch bệnh kéo dài hết quý 3/2021, chỉ số VN-Index khó có thể vượt khỏi vùng 1.420 điểm.
Yuanta cũng đưa ra khuyến nghị một số ngành và cổ phiếu đáng chú ý trong tháng 8 gồm: thép (HSG, HPG), ngân hàng (TCB, STB, MBB), bất động sản (NVL, DIG, KDH, NLG, VHM), chứng khoán (SSI, VCI, HCM), vận tải (GMD), bán lẻ và sản xuất thực phẩm (MWG, MSN).