Trong báo cáo mới được công bố, CTCK Yuanta Việt Nam nhận định, mặc dù làn sóng dịch bùng phát vào cuối tháng 4 kéo dài và hiện vẫn đang diễn ra trên nhiều tỉnh thành nhưng GDP quý 2/2021 vẫn đạt mức tăng trưởng 6,61%, là đáng ghi nhận.
GDP 6 tháng đầu năm 2021 tăng 5,64% so với cùng kỳ, cao hơn cùng kỳ năm trước song chưa đạt được tốc độ tăng trưởng như thời điểm trước khi dịch bệnh Covid-19 lây lan. Yuanta ước tính GDP quý 3 sẽ tăng trưởng khoảng 6,66% và cả năm 2021 sẽ đạt mức 6,35%.
Tình hình đầu tư FDI có phần chững lại sau giai đoạn tăng mạnh vào tháng 3. Tổng giải ngân tính tới 20/06/2021 ước tính đạt 9,24 tỷ USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2020. Điểm sáng là vốn FDI giải ngân trong tháng 6 tiếp tục tăng mạnh 26,7% so với cùng kỳ năm trước.
Yuanta cho rằng, xuất nhập khẩu tiếp tục tăng trưởng nhưng đã chậm lại trong tháng 6 do ảnh hưởng Covid-19 đến sản xuất, điển hình như các ca mới tại các khu công nghiệp. Kim ngạch XNK trong tháng 6 ước đạt 54 tỷ USD. Lũy kế 6 tháng đầu năm, XNK ước đạt 316,3 tỷ USD, tăng 31,7% so với cùng kỳ năm 2020.
Cán cân thương mại tháng 6/2021 ước tính nhập siêu 1 tỷ USD, giảm 50% so với cùng kỳ nhờ khối doanh nghiệp trong nước nhập siêu 2,16 tỷ USD. Lũy kế nửa đầu năm Việt Nam nhập siêu 1,36 tỷ USD.
CPI trong tháng 6/021 tăng 2,41% so với cùng kỳ năm 2020 đồng thời tăng 0,19% so với tháng trước. Giao thông tiếp tục là nhóm ngành tăng mạnh nhất với mức tăng 1,07% so với tháng 5. Bên cạnh đó, giá xăng dầu trong nước tăng do ảnh hưởng bởi đà tăng của giá dầu thế giới; chỉ số giá Nhà ở và vật liệu xây dựng cũng tăng mạnh do giá thép tăng.
Tổng mức bán lẻ cả nước trong tháng 6/2021 ước đạt xấp xỉ 382 nghìn tỷ, giảm 11,4% so với cùng kỳ năm 2020 - mức giảm mạnh này do ảnh hưởng của đợt bùng phát trở lại của dịch bệnh cộng thêm mức nền so sánh cao của tháng 6 năm trước khi Việt Nam đã tạm thời kiểm soát được dịch.
Tháng 6/2021, chỉ số VN-Index dẫn đầu đà tăng với nhóm Vận tải và Dầu khí ghi nhận mức tăng mạnh nhất. Trong tháng, khối ngoại giảm bán ròng 4.478 tỷ đồng, tập trung rót tiền nhiều nhất vào cổ phiếu ngành bất động sản và dầu khí, bên cạnh đó tiếp tục xả HPG với khối lượng gần 5.100 tỷ đồng.
Báo cáo của Yuanta đưa ra đánh giá, mức P/E TTM của chỉ số VN-Index hiện ở mức 18,2 lần cho thấy thị trường đã bước qua giai đoạn định giá rẻ, việc lựa chọn cổ phiếu sẽ trở nên khó khăn hơn trong giai đoạn tới. Tuy nhiên, dư địa tăng trưởng của thị trường vẫn còn khi mức kháng cự P/E TTM của chỉ số VN-Index là 22.2 lần.
Yuanta đưa ra dự báo lãi suất sẽ duy trì ở mức thấp trong quý 3/2021 và là yếu tố hỗ trợ chính cho xu hướng tăng của thị trường. Mặc dù vậy, báo cáo cũng lưu ý về động thái của Fed có thể tác động mạnh đến biến động lãi suất cũng như dòng tiền vào thị trường chứng khoán trong 6 tháng cuối năm 2021. Ngoài ra, thống kế cho thấy thị trường thường có mức tăng trưởng thấp hơn trong 6 tháng cuối năm sau nửa đầu bùng nổ mạnh mẽ.
Theo đó, kịch bản cho tháng 7/2021, vùng 1.456 – 1.500 có thể là vùng mục tiêu kỳ vọng cho sóng tăng 5 của chỉ số VN-Index, tương ứng với mức tăng trưởng 2,75 – 5,85% so với mức giá đóng cửa phiên 1/7/2021.
Bên cạnh đó, Yuanta cũng đưa ra nhận định về một số nhóm ngành cần quan tâm trong nửa sau của năm 2021. Cụ thể, ngành ngân hàng kỳ vọng tích cực nhờ duy trì môi trường lãi suất thấp và tín dụng tăng trưởng trở lại. Đồng thời, thị trường chứng khoán tăng trưởng và thanh khoản cao cũng giúp thúc đẩy các mã cổ phiếu chứng khoán (SSI, HCM, SHS, CTS).
Lĩnh vực BĐS khu công nghiệp và các doanh nghiệp BĐS có quỹ đất ở các khu vực vùng ven cũng sẽ hưởng lợi từ làn sóng đầu tư công của Chính phủ và làn sóng dịch chuyển FDI. Ngoài ra, dệt may, thủy sản, logistic (TCM, GIL, MSH), cùng với bán lẻ và sản xuất thực phẩm (DGW, PET, MWG) cũng được báo cáo đưa ra đánh giá khả quan về tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm nay nhờ hồi phục của xuất nhập khẩu và nhu cầu tiêu dùng trong nước.