Trong báo cáo triển vọng ngành ngân hàng năm 2022 mới công bố, các chuyên gia phân tích Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng việc tăng vốn sẽ là một chất xúc tác cho ngành ngân hàng trong năm 2022, đặc biệt là tại các ngân hàng nhà nước (như BIDV, VietinBank và Vietcombank).
Theo nhóm phân tích, xem xét tỷ lệ sở hữu của khối ngoại, BIDV và Vietcombank vẫn còn dư nhiều room ngoại để gia tăng vốn hơn là VietinBank. Room ngoại còn lại của Vietcombank (6,4%) và BIDV (13,3%) cho thấy các ngân hàng này vẫn còn dư địa để gia tăng vốn thông qua phương thức bán cổ phần cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Ngoài ra, cả 2 nhà đầu tư chiến lược của 2 ngân hàng này (KEB Hana Bank (BIDV), và Mizuho Bank (Vietcombank) hiện đang sở hữu 15% cổ phần so với hạn mức là 20%, vì vậy Vietcombank và BIDV vẫn còn trống room ngoại để có thể tăng thêm vốn từ các nhà đầu tư chiến lược hiện nay của họ.
Trong khi đó, nhà đầu tư chiến lược của VietinBank (Ngân hàng Tokyo Mitsubishi UFJ) hiện đang sở hữu 19,7%, đã gần bằng với hạn mức quy định là 20%.
Ngoài ra, Yuanta Việt Nam nhận thấy một vài ngân hàng hiện vẫn chưa hợp tác với các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, đồng nghĩa vẫn còn cơ hội để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài cho các ngân hàng đó trong tương lai. Nhóm phân tích không cho rằng điều này sẽ diễn ra ngay lúc này hoặc trong tương lai gần, nhưng đó là điều có thể sẽ diễn ra trong tương lai.
''Việc tăng vốn và kì vọng tăng room ngoại sẽ là chất xúc tác tích cực đối với giá cổ phiếu của các ngân hàng'', Yuanta Việt Nam nhận định.
Được biết, theo kế hoạch đã được đã được cổ đông thông qua, Vietcombank sẽ phát hành cổ phiếu riêng lẻ quy mô 6,5% vốn điều lệ. Trong khi BIDV cũng tính chào bán ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ số cổ phiếu tương đương 8,5% vốn điều lệ.'
Trước đó, phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2022, Phó Thống đốc thường trực Đào Minh Tú cho biết ngành ngân hàng sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức vào năm tới. Trong đó, nguồn lực cho các ngân hàng thương mại Nhà nước (NHTMNN) còn bất cập với vai trò và trách nhiệm thực hiện chính sách, cũng như việc nâng cao năng lực tài chính thông qua tăng vốn điều lệ.
Theo ông Tú, việc thực hiện nhiều chương trình tín dụng chính sách, gói hỗ trợ vừa qua và sắp tới, nhưng các NHTMNN chưa được NSNN bố trí đủ vốn hoặc chưa được bố trí nguồn cấp bù lãi suất phần nào gây khó khăn cho các NHTM.
Mặt khác, vốn điều lệ các NHTMNN tăng không tương xứng với vai trò, vị thế đã hạn chế năng lực của các ngân hàng này trong việc mở rộng tín dụng, tham gia vào các dự án lớn, các công trình hạ tầng trọng điểm quốc gia (điện, BOT giao thông, sân bay, cảng biển,..) hoặc mở rộng tín dụng đối với nhiều lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp nông thôn, xuất nhập khẩu, DNNVV; ảnh hưởng đến vai trò là lực lượng chủ lực, chủ đạo về quy mô, thị phần, khả năng điều tiết thị trường của các NHTMNN.
Chia sẻ tại hội nghị, Chủ tịch BIDV Phan Đức Tú nhận định ngành ngân hàng vẫn khẳng định được vị thế trụ cột của nền kinh tế khi là lĩnh vực có đóng góp lớn thứ hai vào GDP cả nước (chiếm tới 4,5% GDP) và chiếm 62% tổng tài sản hệ thống tài chính Việt Nam. Đây là kênh dẫn vốn quan trọng và chủ yếu cho nền kinh tế, cả vốn ngắn hạn lẫn trung, dài hạn cho nền kinh tế.
Tuy nhiên, bản thân ngành ngân hàng cũng gặp rất nhiều khó khăn. Với BIDV, mặc dù đã được chấp thuận chia cổ tức 25,77% để tăng vốn song theo hiện hệ số an toàn vốn (CAR) của BIDV vẫn ở mức thấp. Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh dư nợ cho vay, cơ cấu nợ hỗ trợ khách hàng và yêu cầu thực hiện Basel II, Basel III khiến áp lực với hệ số CAR ngày càng tăng.
Chính vì vậy, ông Phan Đức Tú đề nghị, Chính phủ, Quốc hội quan tâm, tạo điều kiện tăng vốn cho các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước, trong đó có BIDV.