Liên tiếp trong tháng 11, tín đồ thời trang tại Hà Nội vui mừng chào đón sự xuất hiện của hai thương hiệu ngoại là Zara và H&M. Nếu Zara khai trương cửa hàng tại Vincom Bà Triệu vào ngày 9/11 thì sau đó không lâu, H&M cũng chính thức mở cửa hàng tại Vincom Royal City vào ngày 11/11.
Sự xuất hiện của hai ông lớn trên không chỉ thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng mà còn cả các hãng thời trang nội. Trong cuộc phỏng vấn với chúng tôi, NTK Võ Ngọc Ý Vân, Tổng giám đốc Công ty cổ phần thời trang M.Y.M không ngại ngần thừa nhận dù còn là thương hiệu khá mới nhưng họ đã có những bước chuẩn bị hoàn tất để tìm con đường riêng cho mình trong bối cảnh thị trường thời trang Việt Nam ngày càng cạnh tranh gay gắt.
M.Y.M không phải là Emigo
Tháng 10/2014, thương hiệu Emigo của tập đoàn Vingroup chính thức ra mắt thị trường thời trang Việt Nam. Tuy nhiên chỉ khoảng 1 năm sau đó, bà Nguyễn Ánh Hồng (chủ nhân chuỗi trung tâm thương mại Maximark thời bấy giờ) cùng con gái là Võ Ngọc Ý Vân đã bỏ ra số vốn hơn 300 tỷ đồng để mua lại Emigo từ tay Vingroup. Bà Ánh Hồng đứng phía sau hỗ trợ còn Ý Vân là người trực tiếp quản lý, điều hành công ty.
Dù tốt nghiệp ngành thiết kế thời trang ở Philadelphia University và chuyên ngành quảng cáo thời trang tại Temple University, lại từng có kinh nghiệm làm việc ở nước ngoài nhưng Vân vẫn quyết định trở về Việt Nam để thực hiện ước mơ mở một thương hiệu thời trang riêng của mình.
“Từ ngày còn đi học, tôi đã luôn nghĩ đến việc gây dựng một thương hiệu thời trang thuần Việt, do người Việt tự thiết kế, sản xuất và phục vụ chính nhu cầu của người Việt. Vậy nên, khi đã tích lũy đủ kiến thức và kinh nghiệm, tôi quyết định quay về. Ở nước ngoài, mở một công ty riêng hoàn toàn không khó nhưng không dễ để mở xưởng sản xuất”, Ý Vân chia sẻ.
Ban đầu, Vân dự định sẽ mở công ty mới nhưng khi biết Vingroup muốn bán Emigo, chị chuyển sang hướng sẽ mua lại để tự xây dựng thương hiệu với tên gọi M.Y.M. Việc này giúp Vân không mất quá nhiều thời gian gây dựng từ đầu vì tận dụng được cơ sở hạ tầng, máy móc, nhà xưởng có sẵn của Emigo.
Tuy nhiên, M.Y.M không phải Emigo. Nếu sản phẩm của Emigo đi theo hướng tối giản, năng động thì M.Y.M lại nhấn mạnh yếu tố thời trang nhưng không kém phần tiện dụng. Cùng là một bộ trang phục nhưng người mặc có thể sử dụng trong nhiều dịp, đi làm được, đi chơi được mà đi du lịch cũng được.
“Tôi muốn hướng đến các khách hàng hiện đại, những người thường xuyên bận rộn và quay cuồng với nhịp sống ngày nay. Đâu phải ai cũng có thời gian tan sở để về nhà sửa soạn, thay đồ rồi mới đi chơi”, Vân nói.
“Trong khi đó, các dòng sản phẩm trên thị trường chủ yếu đóng khung trong một mục đích nhất định, ví dụ như đi chơi phải thế này, đi làm phải thế kia... đó cũng là lỗ hổng mà M.Y.M nhìn ra và cố gắng khắc phục. Chúng tôi muốn tạo ra những mẫu thiết kế đảm bảo yếu tố thời trang nhưng không kém phần tiện dụng, để khách hàng dù đang đi chơi nhưng có cuộc họp gấp thì vẫn diện bộ trang phục đang mặc đến đó được”.
Lý giải về ý nghĩa thương hiệu, Vân cho biết M.Y.M nghĩa là “Make Your Miracle”. Theo đó, M.Y.M mang đến những điều kỳ diệu cho khách hàng hoặc bản thân khách hàng, bằng cách tự “mix and match” kết hợp các sản phẩm thời trang với nhau, có thể tự tạo điều kỳ diệu cho chính mình.
Không ngại cạnh tranh với các ông lớn
Mới ra mắt khoảng 2 năm nhưng đến nay, MYM đã bước đầu gây ấn tượng với khách hàng Việt. Bộ sưu đầu tiên trình làng vào tháng 3/2016 đã tiêu thụ được khoảng 75% sản phẩm dù lúc ấy thương hiệu chưa thực hiện hoạt động marketing nào, ngoài việc chỉ giới thiệu trên mạng xã hội.
Chị Linh (30 tuổi, Hà Nội) cho biết: “Mình đã từng vào showroom của M.Y.M và thấy khá khác biệt. Nếu nhiều bên họ theo hẳn thời trang công sở với khuôn mẫu có sẵn thì phong cách thời trang của M.Y.M rất phóng khoáng tự do. Cùng một chiếc váy nhưng có thể phối với nhiều mẫu áo, nhiều màu sắc khác nhau”.
Đến nay, M.Y.M đã có 25 cửa hàng, phân bố tại 14 tỉnh thành phố khắp cả nước. Thương hiệu đặt mục tiêu không mở ồ ạt trong thời gian tới, mà tiếp tục tìm kiếm sự phá cách, đưa các xu hướng thời trang mới nhất trên thế giới về Việt Nam và xây dựng tập khách hàng rộng hơn.
“Hiện tại xu hướng thời trang tại Việt Nam vẫn chậm hơn so với thế giới, nên chúng tôi luôn cố gắng để bắt kịp xu hướng thời trang trên thế giới. Chúng tôi cũng sẽ đi theo hướng fast fashion (thời trang nhanh), mỗi tháng ra 80 mẫu mới, số lượng sản phẩm có thể không nhiều nhưng số lượng mẫu sẽ cập nhật liên tục”, Tổng giám đốc M.Y.M cho biết.
Trong bối cảnh các thương hiệu ngoại như Zara, H&M đang đổ bộ hàng loạt vào Việt Nam, Ý Vân thừa nhận thị trường trong nước sẽ có những xáo trộn vì đây đều là những thương hiệu lớn, lâu năm, đã có chỗ đứng vững chắc trong lòng người tiêu dùng. So với họ M.Y.M yếu hơn về mặt kinh tế, sản phẩm chưa thể tiếp cận nhiều khách hàng nhưng thương hiệu có điểm mạnh là am hiểu thị trường nội hơn.
“Lợi thế của M.Y.M là doanh nghiệp Việt, nên có thể hiểu “phom dáng” của người Việt, biết được người Việt muốn gì. Một thiết kế đến từ Ý có thể hợp dáng người của nước họ, nhưng về Việt Nam chưa chắc người của mình mặc đã phù hợp, hoặc có thể tôn thêm dáng cho thiết kế nguyên mẫu đó".
Vân cũng cho biết không e ngại việc cạnh tranh vì mỗi hãng sẽ theo định hướng riêng, càng nhiều hãng cùng tồn tại thì người tiêu dùng càng có nhiều lựa chọn. Trong cạnh tranh, không nhất thiết phải có bài toán người này thắng, còn người kia thua.
“Thời trang là gì? Cho dù bạn đẹp cỡ nào, mạnh cỡ nào, bạn cũng không thể làm hài lòng tất cả mọi người. Không thể có chuyện đưa ra 100 mẫu thì cả 100 mẫu mọi người đều đón nhận, ngay cả đó là thương hiệu nước ngoài. Tôi tin vì lý do này mà M.Y.M sẽ luôn có chỗ đứng”.
Khi được hỏi các thương hiệu thời trang Việt có thể làm gì trước cơn bão hàng ngoại hiện nay, Ý Vân khẳng định mỗi thương hiệu hãy luôn chú ý tới mục tiêu của mình thay vì đi so sánh với các hãng khác, vì mỗi hãng có nền tảng kinh tế, phong cách thiết kế, khách hàng mục tiêu khác nhau.
“Tôi nghĩ chỉ nên tập trung hoàn thiện tốt công việc của mình, đưa nhiều sản phẩm đẹp đến với khách hàng, còn nếu cứ đi so sánh thì đâu có thời gian lo cho mình nữa”, tổng giám đốc M.Y.M kết luận.