Sau những sai lầm dẫn đến vụ bê bối Cambridge Analytica ảnh hưởng đến thông tin cá nhân của hàng chục triệu người dùng, hôm qua CEO Facebook đã có lời xin lỗi chính thức trước Quốc hội Mỹ. Phát biểu trước phiên điều trần, Mark Zuckerberg nhấn mạnh Facebook đang xem xét lại trách nhiệm của mình đối với người dùng và xã hội.
"Rõ ràng là chúng tôi đã không làm đủ để ngăn chặn những công cụ này (Facebook và hệ sinh thái của nó) bị lợi dụng và gây ra tai hại. Như là tin tức giả mạo, sự can thiệp của người nước ngoài vào các cuộc bầu cử và ngôn từ thù địch, cũng như bảo mật dữ liệu và nhà phát triển", CEO Facebook nói.
"Chúng tôi không có tầm nhìn đủ rộng về trách nhiệm của mình và đó là một sai lầm lớn", ông nói thêm. "Đó là một sai lầm lớn và tôi xin lỗi. Tôi lập ra Facebook. Tôi vận hành nó và tôi chịu teacsh nhiệm về những gì xảy ra tại đây".
Trong suốt phiên điều trần kéo dài 5 tiếng đồng hồ, CEO Facebook đã phải trả lời rất nhiều câu hỏi về hành vi thu thập dữ liệu, sức mạnh độc quyền và quan điểm của công ty này về việc quản lý các công ty internet.
Với 44 thượng nghị sỹ chịu trách nhiệm đặt câu hỏi - một con số cao bất thường và 5 phút cho mỗi lượt, một số câu hỏi sâu đã được đưa ra.
Đáng chú ý nhất là câu hỏi của Thượng nghị sĩ John Kennedy - người từng đả kích gay gắt Facebook vì những điều khoản dịch vụ phức tạp của công ty này.
Kennedy - Đảng viên Cộng hòa đại diện cho bang Louisiana nói: "Thỏa thuận người dùng của bạn rất dở. Nó không phải để thông báo cho người dùng về quyền lợi của họ. Tôi đề nghị bạn hãy trở về nhà và viết lại nó".
Zuckerberg bị rơi vào thế khó khi được hỏi một số vấn đề, bao gồm cách nhân viên Facebook đã quyết định không thông báo cho người dùng về bê bối dữ liệu Cambridge Analytica khi sự việc này được phát hiện vào năm 2015.
Nhưng nhìn chung, nhà đầu tư dường như thích biểu hiện của vị CEO Facebook trong buổi điều trần này. Đóng cửa phiên giao dịch ngày hôm qua, cổ phiếu Facebook tăng 4,5%.
Đây là lần đầu tiên Mark Zuckerberg phải ra điều trần trước Quốc hội với một bộ vest xanh đậm với cà vạt xanh nhạt, thay vì áo thun xám và quần jean thường thấy.
Thượng nghị sĩ John Thune - chủ tịch Ủy ban Thương mại nói đây là một phiên điều trần bất thường khi mà có một CEO làm chứng trước gần một nửa số Thượng viện Hoa Kỳ. Khi ông đặt câu hỏi tại sao người dùng nên tiếp tục tin tưởng vào Facebook sau nhiều năm công ty này từng hứa hẹn sẽ làm tốt hơn, Zuckerberg thừa nhận rằng: "Trong suốt quá trình điều hành công ty, chúng tôi đã mắc rất nhiều sai lầm".
Ông nói: "Thật khó để bắt đầu một công ty trong phòng ký túc xá và phát triển thành quy mô như chúng tôi đang có mà không mắc phải một số sai lầm. Tuy nhiên, chúng tôi đang có sự thay đổi trong cách điều hành để trở nên tốt hơn".
Phần lớn thời gian trước đây, Facebook tập trung vào "công cụ xây dựng", Zuckerberg nói. Giờ đây, Facebook nhận ra nhu cầu "đảm nhận vai trò chủ động hơn".
Cuộc điều trần Quốc hội diễn ra gần một tháng sau khi vụ bê bối Cambridge Analytica bị đưa ra ánh sáng. Cambridge Analytica là một công ty dữ liệu có quan hệ với chiến dịch tranh cử của Tổng thống Donald Trump. Công ty này đã truy cập thông tin cá nhân của 87 triệu người dùng Facebook.
Vụ bê bối này đã thổi bay hàng chục tỷ USD vốn hóa thị trường của Facebook, làm chấn động chính trường cả hai bên bờ Đại Tây Dương và thậm chí rấy lên một câu hỏi chưa từng có: Liệu Zuckerberg có nên từ chức CEO hay không.
Trong ngày hôm nay, Zuckerberg sẽ tiếp tục điều trần trước Ủy ban Năng lượng và Thương mại của Hạ viện.
Trong khi chịu trách nhiệm về những thiếu sót của Facebook về việc ngăn chặn sự lạm dụng nền tảng này, Zuckerberg phản bác lại quan điểm cho rằng Facebook là tư bản độc quyền và nhấn mạnh Facebook coi mình là công ty công nghệ chứ không phải là một công ty truyền thông.
"Tôi đồng ý rằng chúng tôi chịu trách nhiệm về nội dung, nhưng chúng tôi không sản xuất ra nội dung", ông nói.
Sự phân biệt này có ý nghĩa nhiều hơn là một vài từ ngữ. Nó nói đến trách nhiệm mà Facebook từng có về việc kiểm soát nội dung chính trị trên nền tảng của mình.
Zuckerberg cũng lên tiếng bảo vệ mô hình kinh doanh cốt lõi của công ty: Sử dụng dữ liệu cá nhân nhằm mục đích quảng cáo.
Ông nói: Chúng tôi cho rằng cung cấp dịch vụ hỗ trợ quảng cáo là phù hợp với sứ mệnh của chúng tôi để kết nối tất cả mọi người trên thế giới. Chúng tôi muốn cung cấp một dịch vụ miễn phí mà mọi người đều có thể sử dụng".
Tuy nhiên, cách Zuckerberg nói về "dịch vụ miễn phí" cho thấy một số khả năng ứng dụng này sẽ biến thành một dịch vụ trả tiền.
Không phải tất cả thượng nghị sĩ đều bị thuyết phục bởi sự đảm bảo của Zuckerberg. Thượng nghị sĩ Richard Blumenthal - Đảng viên Dân chủ của Connecticut nói: "Chúng tôi đã chứng kiến những lần xin lỗi trước đây từ phía bạn. Tôi bảo lưu quan điểm của mình trước lời khai của bạn trong ngày hôm nay đó là tôi không thấy bạn thay đổi mô hình kinh doanh của mình, trừ khi có những quy định cụ thể về hướng đi... được thực thi bởi cơ quan bên ngoài".
Về phần minh, Zuckerberg nói ông cởi mở với quy định nói chung, bao gồm cả yêu cầu các công ty thông báo cho người dùng về sự xâm phạm dữ liệu trong vòng 72 giờ. Nhưng ông thừa nhận rằng việc đẩy mạnh giám sát cuối cùng có thể sinh lợi cho các công ty lớn như Facebook.
"Thách thức của giám sát nói chung là các quy định mới mà các công ty phải tuân thủ, tuy nhiên đó cũng là nguồn lực để các công ty lớn khai thác", Zuckerberg nói.
Vài ngày trước phiên điều trần, Facebook đã cho ra mắt một bản cập nhật Facebook và chính sách giải quyết những lo ngại về bảo mật dữ liệu.